Triển lãm sách giáo khoa Việt Nam và các nước được Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: LV
Căn cứ để thực hiện
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, chủ trương xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) từ khi có Nghị quyết 88/2014/QH13. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 4 năm và có được những kết quả như sau:
Thứ nhất, xóa bỏ thế độc quyền. Trước kia, nước ta chỉ có một bộ sách giáo khoa do nhà nước biên soạn và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành. Nghị quyết 88/2014/QH13 đã mở ra cơ chế xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và phát hành sách giáo khoa là do xã hội. Kết quả hiện nay, toàn quốc có 7 Nhà xuất bản (NXB) có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK và tuỳ từng lớp đã có từ 3-5 bộ sách để giáo viên, học sinh và phụ huynh lựa chọn.
Thứ hai, thu hút, huy động được sự tham gia, trí tuệ của đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm thực tế và năng lực của các trường đại học sư phạm, trường đại học chuyên ngành, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục phổ thông tham gia biên soạn SGK.
Cụ thể có tổng số 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp đã có SGK được thẩm định và đưa vào thực hiện theo lộ trình: Lớp 1 là 221 tác giả, lớp 2 là 199 tác giả, lớp 3 là 234 tác giả, lớp 6 là 276 tác giả, lớp 7 là 318 tác giả, lớp 10 là 382 tác giả. Trong đó, trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.
Thứ ba, huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục. Theo tính toán sơ bộ từ các NXB thì chi phí để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa khoảng hơn 300 tỷ đồng; khoảng 100 tỷ chi phí marketing; như vậy 3 bộ sách hết khoảng hơn 1200 tỷ đồng.
Như vậy, để biên soạn một bộ sách giáo khoa phải cần khoảng 300 tỷ đồng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết: Giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân. Trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần có những quyết sách phù hợp để ổn định thị trường SGK, khuyến khích khối tư nhân tham gia, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch đối với thị trường này.
"Chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được. Chúng ta có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá. Trước hết, phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá chúng ta phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành", ông Nguyễn Tiến Thoả cho biết.
Mặt khác, căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận và bao gồm các yếu tố cấu thành giá như sau: Chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập, chi phí khấu hao tài sản cố định, marketing, phát hành, in ấn… Đây là những khoản mà các công ty sản xuất sách được phép tính vào giá thành.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước quản lý giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình Quốc hội xem xét điều này trong dự án Luật giá (sửa đổi) và dự kiến Luật này sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Kê khai giá hay định giá đều do Nhà nước quản lý. Định giá vẫn khuyến khích, tạo động lực để các Nhà xuất bản tham gia xuất bản sách. Theo quy định về Luật Giá thì giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các Nhà xuất bản khác nhau trên cả nước) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính”.
Được biết, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản, đề nghị các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian để giảm giá sách giáo khoa qua các lần kê khai. Kết quả, phương án giá công bố của các nhà xuất bản đã giảm từ 3-9% so với phương án kê khai lần đầu. Mặc dù vậy, theo đánh giá của dư luận xã hội thì giá sách giáo khoa vẫn ở mức cao.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, cả nước có khoảng 17,6 triệu học sinh phổ thông nên mỗi sự điều chỉnh về giá SGK đều có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước. Do đó, Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát, điều tiết giá đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đề xuất bổ sung SGK vào danh mục do Nhà nước định giá. Ngày 16/6/2022 Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Thực hiện Nghị quyết, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3910/BGDĐT-KHTC ngày 17/8/2022; Công văn số 5501/BGDĐT-KHTC ngày 19/10/2022 gửi Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc quy định giá trần sách giáo khoa trong Luật Giá sửa đổi; hiện Luật Giá sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp này.
Theo đó, nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.
Theo Báo Tin Tức