Định hướng phát triển du lịch ở huyện cù lao Phú Tân

04/04/2022 - 06:32

 - Tuy không nhiều lợi thế để du lịch (DL) “cất cánh” như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) vẫn nỗ lực khai thác điều kiện đặc thù bản địa. UBND huyện xác định, phát triển DL là một trong những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nếu đánh giá đúng thực trạng và đầu tư hợp lý, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội...

Dựa vào những điều kiện đặc thù ở bản địa để khai thác phát triển du lịch

Phú Tân là một trong 3 huyện cù lao của tỉnh, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, phần lớn theo đạo Phật giáo Hòa Hảo (chiếm trên 90% dân số). Toàn huyện hiện có 7 đình làng, 2 di tích cấp tỉnh. Thánh thất Phú Lâm là di tích lịch sử cách mạng, còn đình thần Bình Thạnh Đông là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ngoài ra, còn có 3 làng nghề thủ công truyền thống được tỉnh công nhận: Làng bánh phồng, làng rèn Phú Mỹ và làng nghề bó chổi Phú Bình. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có một số làng nghề thủ công (làm lò đất xã Phú Thọ, nghề làm đũa xã Phú Hiệp) hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ.

Những năm gần đây, loại hình DL sinh thái vườn có hướng phát triển tại xã Phú Hưng, Tân Trung, thị trấn Phú Mỹ… Chủ hộ xây dựng mô hình trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều loại cây ăn trái ngon, mới để làm sản phẩm. Cùng với đó, kết hợp dịch vụ lành mạnh là ăn uống, “check-in”, vui chơi hấp dẫn, thưởng thức “cây nhà lá vườn”…

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu, địa phương định hướng thu hút khách DL đến huyện chủ yếu là DL tâm linh, hành hương về thăm An Hòa tự, Tổ Đình giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo. Do vậy, cần kết hợp giữa DL tâm linh, hành hương gắn với DL sinh thái vườn, lòng hồ Tân Trung và làng nghề truyền thống. Để đánh thức tiềm năng phát triển DL, huyện duy trì, thiết kế lại sản phẩm của địa phương.

Chẳng hạn, vận động thành lập cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản và đồ lưu niệm; đầu tư nâng cấp, mở rộng phòng trưng bày tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Tân. Vận động hộ dân ký gửi hàng hóa, sản phẩm làng nghề rèn Phú Mỹ, bánh phồng Phú Mỹ, nếp Phú Tân, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để giới thiệu cho du khách tham quan, mua sắm trong các dịp lễ hội. Đây cũng là nơi kết hợp giới thiệu về truyền thống, lịch sử, văn hóa huyện Phú Tân đến với du khách trong và ngoài huyện.

Đối với các làng nghề truyền thống, khi đến tham quan trải nghiệm, du khách không chỉ tìm hiểu, mua sản phẩm tại chỗ, mà còn được hòa mình vào hoạt động sản xuất tại làng nghề. Đáp ứng nhu cầu này, làng nghề cần thiết phải chỉnh trang lại khu vực sản xuất, cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm; đặc biệt là khôi phục khu sản xuất có thiết bị thủ công truyền thống.

Địa phương đang khuyến khích việc đầu tư, nâng cấp mở rộng điểm vui chơi, giải trí hiện có và xây dựng điểm mới, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm độc đáo có bản sắc riêng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để kéo dài ngày lưu trú của du khách. Còn với DL tâm linh sẽ ưu tiên trùng tu, cải tạo địa điểm tín ngưỡng dân gian. Trong đó, quan tâm tôn tạo các di tích như đình thần, đình làng, dinh thờ, duy trì lễ hội truyền thống và phát triển loại hình văn hóa nghệ thuật.

Thời gian tới, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức để giới thiệu với du khách về hình ảnh, con người, hoạt động, địa danh DL trên địa bàn. Song song đó, tìm giải pháp tối ưu để liên kết với điểm DL, đảm bảo giới thiệu, cung cấp kịp thời sản phẩm, đặc sản khi khách DL có nhu cầu. Các loại hình mới như DL sinh thái vườn do nông dân ở nhiều địa phương thực hiện cũng được đánh giá cao và phát huy ngay từ bây giờ. Đây là yếu tố mà đối với một huyện cù lao và thuần nông như Phú Tân có điều kiện để phát triển hơn trong tương lai. Nhờ vị trí thuận lợi gần trung tâm huyện, có thể khai thác tour DL kết hợp dã ngoại, thăm vườn và tham quan di tích.

Đặc biệt, trong giải pháp về cơ chế, chính sách, huyện đẩy mạnh quán triệt chủ trương của tỉnh, làm cơ sở, điều kiện để mời gọi các thành phần kinh tế lập dự án đầu tư nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh đặc sản. Trong đó, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, cơ sở mua sắm, dịch vụ ăn uống… hướng đến xây dựng dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

“Hiện nay, xu hướng sử dụng dịch vụ trên mạng xã hội để quyết định chuyến đi và các hoạt động DL ngày càng tăng. Do vậy, sẽ xây dựng và phát hành rộng rãi trên mạng xã hội tư liệu về lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, di tích, danh lam, thắng cảnh, lễ hội, làng nghề... Những thông tin này hết sức bổ ích không chỉ đối với du khách có mục đích nghiên cứu, mà còn cần thiết đối với nhà đầu tư, kinh doanh muốn đến để hợp tác phát triển DL trên địa bàn huyện Phú Tân” - ông Lê Nguyên Châu chia sẻ.

 

MỸ HẠNH