Nghệ thuật thủ công
Để làm một chiếc khăn maspok, phải mất từ 10 ngày đến nửa tháng và hoàn toàn bằng thủ công. Hiện nay, duy nhất trong tỉnh An Giang chỉ còn số ít phụ nữ đồng bào DTTS Chăm tập trung tại ấp Châu Giang, xã Châu Phong (TX. Tân Châu) biết về kỹ thuật.
“Thuở nhỏ, sau mỗi buổi đi học về, tôi được mẹ truyền dạy cách thêu khăn, kinh nghiệm tích góp từng chút, để rèn tới mức điêu luyện như các cô, các bà quả thật không dễ. Một thời gian dài, tôi làm công nhân ở các công ty, từ khi có con nhỏ phải ở nhà bèn quay lại với nghề thêu khăn maspok để trang trải thu nhập. Từ đây, các chị, các cô còn giữ nghề tụ họp bên nhau, chia việc làm theo công đoạn.
Hầu hết các làng Chăm trong tỉnh khi cần sử dụng khăn maspok phải mua từ đây, trong khi nghề thêu dần mai một. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Phong đã thành lập tổ thêu khăn, định hướng bảo tồn và phát triển nghề, về lâu dài hỗ trợ đầu ra sản phẩm, giúp các chị có thu nhập ổn định hơn” - chị Ha Ly Mah (Tổ phó Tổ Thêu khăn maspok) chia sẻ.
Từ nguyên liệu vải đến chỉ thêu khăn maspok đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nền vải không vẽ khuôn hình sẵn mà dựa trên kỹ thuật canh đếm từng sợi chỉ để tạo chân khăn, thêu viền cho đến hoa văn bên trong. Bằng cách này, các mẫu hoa có sự cân đối, chính xác từng đường kim, chiều ngang, chiều dọc, không có máy móc nhưng đều tăm tắp.
Mẫu hoa và màu sắc trên khăn maspok rất hạn chế, chỉ tập trung một số màu đơn sắc cơ bản, phổ biến nhất vẫn là nền trắng, vì sẽ làm nổi bật sắc hoa thêu. Khi đội lên đầu, phụ nữ DTTS Chăm phối hợp với quần áo có cùng màu.
“Chiếc khăn này có nguồn góc từ Ả Rập, trong các chuyến hành hương từ mấy chục năm trước, các mẹ vì yêu thích đã mời thợ về đây dạy nghề. Việc thêu khăn yêu cầu sự tinh tế, khéo léo, kiên nhẫn. Một chiếc khăn hoàn thiện có giá trị từ 850.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, trong khi thời gian làm khá dài, trừ nguyên liệu và công sức thì đồng lời không là bao. Vì vậy, ngày nay lớp trẻ không thiết tha, chỉ còn số ít người lớn tuổi giữ nghề” - bà Sa Ki Roh (một trong số thợ thêu lành nghề) cho biết.
Nhà của chị Ha Ly Mah là nơi trữ nguyên liệu để chia cho các tổ viên cùng làm. Để thấy được sự sắc sảo của những chiếc khăn thêu tay, chị đem 2 mẫu khăn maspok làm thủ công và thêu máy cho chúng tôi “mục sở thị”. Máy móc có thể làm được mọi thứ, nhanh gọn, năng suất, song đường nét không thể nào sánh bằng sự khéo léo của đôi tay con người. Đó là chưa kể kỹ thuật thêu tay đồng thời là kỹ thuật thêu 2 mặt, chi tiết mềm mại, sử dụng linh hoạt chứ không phải một mặt như khăn thêu công nghiệp.
Đa số người học phải thực hành từng bước chậm và ít ai dám nhận làm trọn gói từ đầu đến cuối. Dù khó học, nhưng trong tổ phụ nữ thêu khăn maspok ở ấp Châu Giang có nhiều người khá nhạy bén, cá biệt có em nhỏ mới 16 tuổi đã bộc lộ năng khiếu rất giỏi. Thành lập được tổ, mỗi chị nhận làm công đoạn khác nhau, rút ngắn thời gian hơn để thêm nhiều sản phẩm, thêm thu nhập từ công việc nhàn rỗi tại nhà.
Giữ gìn truyền thống
Sau nhiều năm theo nghề buôn bán, thu nhập ngày càng khó khăn, chị Dăm My Lah cũng “nhập hội” vào nhóm thêu khăn và được bầu làm tổ trưởng. Chị cho hay, sự công phu khiến quá trình làm ra một chiếc khăn mất nhiều thời gian. Không đợi đến mùa cao điểm, những tháng bình thường tổ thêu khăn vẫn làm việc liên tục, cần mẫn để có đủ nguồn hàng.
Mỗi đợt bán ra, sau khi chi trả tiền công cho các chị tổ viên, phần còn lại tiếp tục đầu tư vào nguyên liệu mới. Sức tiêu thụ mặt hàng này không mạnh so các sản phẩm khác nhưng là sản phẩm không thể thiếu. Trong cộng đồng DTTS Chăm ở An Giang, vào những dịp trang trọng, đàn ông phải có sà rông tơ, phụ nữ nhất định phải có chiếc khăn maspok. Mùa cưới hàng năm là thời điểm khăn được tiêu thụ mạnh nhất. Nơi sản xuất là xóm Chăm Châu Giang sẽ cung ứng cho các xóm Chăm Vĩnh Trường, Khánh Hòa, Nhơn Hội, Đa Phước… và cả ở nước ngoài.
Những phụ nữ lớn tuổi ở làng Chăm giải thích rằng, nếu gia đình nào có hoàn cảnh khiêm tốn, không có trang sức quý, vào dịp Tết, lễ cưới chỉ cần đội chiếc khăn maspok thôi cũng đủ thể hiện sự sang trọng. Còn gia đình có con trai cưới vợ, người mẹ dùng 2 chiếc khăn maspok tặng cho cô dâu, chính là món quà rất giá trị và ý nghĩa.
Cũng qua chiếc khăn này, người khác sẽ biết được phần nào điều kiện của phụ nữ DTTS Chăm trong cộng đồng. Vì vậy, khăn maspok nói riêng và những truyền thống khác về ẩm thực, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tinh thần… được đồng bào DTTS Chăm rất trân trọng giữ gìn.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Phong Nguyễn Thị Yến, với sự phát triển của đời sống và hội nhập, phụ nữ DTTS Chăm ngày nay bước ra vùng “cấm cung”. Các chị đều được học tập, làm việc, khẳng định giá trị bản thân nhưng không quên lan tỏa giá trị tốt đẹp của cộng đồng. Đặc biệt ở làng Chăm xã Châu Phong còn rất nhiều chị giữ nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, làm tung lò mò, làm bánh, sản xuất trang phục nghi lễ…
Từ khi phục hồi nghề thêu khăn maspok, nhiều phụ nữ có việc làm ở nhà. Chẳng những vậy, một số chị còn rủ nhau đến một điểm hẹn cố định, xen kẽ phút giây làm việc, các chị quây quần bên nhau trò chuyện, chia sẻ về đời sống, ca hát, ăn uống… góp thêm tiếng cười và không khí vui tươi trong xóm.
Không chỉ có khăn maspok, mà sản phẩm truyền thống nói chung của phụ nữ Chăm đều được ưu tiên quảng bá trong và ngoài địa phương, nhất là các đợt xúc tiến thương mại. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã định hướng hỗ trợ tổ thêu bằng cách tìm nguồn cung cấp nguyên liệu có giá thành hợp lý, các dụng cụ thêu, quảng bá trên nhiều kênh để tăng đầu ra cho sản phẩm khăn maspok.
|
MỸ HẠNH