Đỡ đầu cho trẻ mồ côi vùng biên

18/05/2022 - 06:16

 - Cuộc sống của 13 trẻ mồ côi cha mẹ bởi dịch bệnh COVID-19 tại huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) bước sang trang mới, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Tình người ấm áp, cùng với sự giúp đỡ đúng lúc đã tạo động lực cho các em vượt qua khó khăn, viết tiếp ước mơ của chính mình.

Những ngày này, khi đến thăm một số gia đình trẻ mồ côi do tác động của dịch bệnh COVID-19 tại huyện Tịnh Biên, chúng tôi thấy những gương mặt dường như vui tươi hơn, ánh mắt vơi dần nỗi buồn vì mất đi vòng tay yêu thương của đấng sinh thành. Các em chuyên tâm hơn, bắt tay vào mục tiêu học tập. Để có được những tín hiệu lạc quan đó, là nỗ lực không ngừng gieo niềm yêu thương từ chị em phụ nữ xã, thị trấn. Bằng đóng góp của chính mình, vận động nhà hảo tâm, các hội viên mang phần quà đến từng gia đình. Chỉ là suất gạo, nhu yếu phẩm nho nhỏ, nhưng đối với gia đình các em là một niềm vui lớn.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tịnh Biên Đặng Thị Cẩm Hừng cho biết: “Ngay từ đầu năm, hội phụ nữ xã, thị trấn tích cực vận động cán bộ hội, nhà hảo tâm địa phương từng suất quà cho các em. Chứng kiến hoàn cảnh mỗi gia đình, chúng tôi vô cùng xót xa. Đa số các em đều có cha mẹ là công nhân đi làm ở tỉnh Bình Dương, nay cha hoặc mẹ mất do dịch bệnh COVID-19. Có em sống với mẹ, sống với cha, hoặc sống với ông bà. Đời sống vốn đã khó khăn, nay mất đi một lao động càng khó khăn hơn. Họ đứng trước lựa chọn có nên cho con tiếp tục đến trường hay không. Thấy tình cảnh khó khăn đó, hội phụ nữ xã, thị trấn nhanh chóng vận động tập sách, dụng cụ học tập, để gia đình các em yên tâm cho con đến trường”.

Tặng quà cho trẻ mồ côi

Đời sống người dân vùng biên vốn khó khăn, số lượng cơ sở, doanh nghiệp tại địa phương không nhiều, nên công tác vận động hỗ trợ trẻ mồ côi do COVID-19 của chị em phụ cơ sở ban đầu gặp nhiều cái khó. Thế nhưng, bằng tình yêu thương của những “người mẹ”, các chị vận động cho mỗi trẻ mồ côi 300.000 đồng (xã Tân Lợi, Thới Sơn, An Hảo, Văn Giáo…).

"Vừa qua, Hội LHPN huyện, xã, thị trấn, Ngân hàng Chính sách xã hội và doanh nghiệp tư nhân Hòa Kiều (xã Tân Lập) ký kết bản ghi nhớ thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 13 trẻ em đến khi các em được 18 tuổi. Cụ thể, sẽ hỗ trợ chăm sóc y tế, hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ về giáo dục, giúp các em học hết chương trình phổ thông và khi học cao đẳng, đại học. Đồng thời, kết nối đào tạo nghề, hỗ trợ cho các em có việc làm sau khi tốt nghiệp” - chị Đặng Thị Cẩm Hừng thông tin.

Không chỉ xem đó là nhiệm vụ, là chương trình công tác hội phải thực hiện, hội phụ nữ xã, thị trấn còn chăm sóc các em bằng lòng yêu thương bao la của những người mẹ. Em Phạm Thanh Sang, Phạm Quốc Trọng (khóm Hòa Thuận, thị trấn Nhà Bàng) gặp cảnh mẹ mất, cha tiếp tục đi làm thuê, cả 2 ở cùng ông bà ngoại. Hàng ngày, ông bà ngoại bán chổi dạo để mưu sinh. Hội LHPN thị trấn Nhà Bàng thường xuyên lui tới, vừa chia sẻ những phần quà, vừa thường xuyên động viên các em cố gắng học hành tốt, để có tương lai tươi sáng hơn. Hay vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm, chị em phụ nữ tại thị trấn Nhà Bàng, xã Chi Lăng tổ chức trò chơi dân gian, đố vui để các em có thêm niềm vui, động lực trong cuộc sống.

Chia sẻ định hướng sắp tới, chị Đặng Thị Cẩm Hừng cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực vận động nhiều hơn để tăng mức hỗ trợ cho các em. Điều quan trọng nhất trong công tác đỡ đầu là làm sao để các em được học hành đến nơi đến chốn. Với các em đang học lớp 11, 12, chúng tôi càng sát sao, phối hợp gia đình, nhà trường định hướng nghề nghiệp, kết nối đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí học tập và giới thiệu việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” đến 100% hội phụ nữ trên địa bàn cơ sở, để trẻ em mồ côi (do nhiều nguyên nhân) đều được nhận đỡ đầu. Các cấp hội sẽ làm tốt vai trò kết nối, giám sát thực hiện chính sách, tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm công bằng, giúp các em tiếp cận và sử dụng hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình, nhằm nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em”.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi, bất hạnh không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, mà đã trở thành nét đẹp truyền thống nhân văn của người Việt.

TRÚC PHA