Nhưng hậu thế làm sao quên được một người phụ nữ bé nhỏ mà kiên trung, một ni cô sống hòa quyện đạo pháp và dân tộc, một nhân chứng sống của những ngày miền Nam đỏ lửa?
Chú tiểu Thông…
Năm 7 tuổi, chú tiểu Thông được cha mẹ đưa đi tu cùng. Cha đem chuông đồng, lư đồng của chùa hiến cho cách mạng để đúc súng tự tạo trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ thường nấu cơm bằng chảo lá sen, gói hàng trăm đòn bánh tét ủng hộ bộ đội, du kích. Chú tiểu Thông hiếu động, nhanh nhẹn, hàng ngày vai mang thùng bánh kẹp đi bán khắp xã, đi vào đồn lính Pháp lân la vô tư. Nhờ nắm rõ mọi chi tiết về sinh hoạt, chiến đấu của lính đồn, chú “bỏ nhỏ” với bộ đội, góp phần đánh tan nát đồn lính.
Năm 10 tuổi, học kinh Phật tại chùa ni Phước Huệ (tỉnh Sa Đéc), gặp Ni trưởng Diệu Hoa - một nhân sĩ yêu nước - chú tiểu Thông được nhờ mang đồ tới cho “người quen”. “Đồ” là thuốc, thức ăn và “người quen” là bộ đội đóng quân gần chùa. Nhiều ngày, địch phát hiện, cơ sở bại lộ, mỗi người lẩn trốn mỗi nơi. Chú tiểu Thông được cha cho ra Ni trưởng Diệu Đức ở Huế tu học.
Nơi đây, chú tiểu Thông gặp Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám đốc Phật Học Đường, là người mang chí hướng yêu nước. Một trận lụt lớn, Hòa thượng cử 10 vị ni chúng lãnh chiếc xe GMC đầy gạo đi cứu nạn. Theo lời thuyết phục của chú tiểu Thông, chiếc xe chạy thẳng vào… chiến khu giúp bộ đội. Tai nạn xảy ra, mọi người bình an, chỉ có chú tiểu Thông bị kẹt trong cabin, vỡ đầu. Chuyện bị lộ, hòa thượng cứu học chúng bằng cách ký giấy đuổi một loạt, trong đó có chú tiểu Thông.
Ni sư Huyền Trang “khoe” những tấm ảnh quý trong cuộc đời mình
Chú tiểu Thông về Sài Gòn, gặp chị Mười (Lê Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ thành), cùng họp lại cất chùa Bổn Nguyện trên ao rau muống, bên trong in truyền đơn và may cờ. Chùa Bổn Nguyện bị tiêu hủy thì chùa Tam Bảo lại được cất lên, chẳng hề nao núng. “Tôi đến với cách mạng từ con đường đạo hạnh, giác ngộ ra chân lý chính nghĩa của cách mạng và bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao hiểm nguy, thử thách đầy cam go” - lời tự sự ngắn gọn ấy tóm tắt toàn bộ mối liên hệ giữa chú tiểu Thông và người lính quả cảm sau này.
Người lính “không có tóc”, mặc lam y
Ở tuổi ngoài 20, chú tiểu Thông ngày xưa đã trở thành đội viên Đội Chính trị I4. Từ năm 1960-1969, ni sư tham gia công tác trinh sát quân báo, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; từ năm 1969-1974, tham gia biệt động Sài Gòn - Gia Định, thuộc đơn vị F100, với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”. Bà cho đào trong khu vực hầm chùa một loạt hố, “ém” các kiệu (loại lu chứa nước lớn nhất bấy giờ) chứa vũ khí, thuốc nổ cho Đội Biệt động. Hàng ngày, lúc rảnh rỗi, chị em thay phiên nhau đi trinh sát mục tiêu, tải hàng về chùa. Phương tiện vận chuyển là xe honda, với chiếc yên được rút hết nệm, thay bằng thuốc nổ dẻo C4. Khi làm tương, giữa các nia phơi xếp chồng lên nhau, họ giấu những khẩu súng nhỏ, dụng cụ đo tọa độ của súng cối.
Chiến công của bà và đồng đội được ghi vào lịch sử sáng ngời. Đó là trận đánh khách sạn Caraven, đánh trụ sở Thượng nghị viện chế độ Sài Gòn tháng 3-1969, 4 chiến sĩ (trong đó có bà) đánh trái nổ, tiêu diệt 5 tên cảnh sát nguỵ. Hai tháng sau, trong trận đánh trạm điện cao thế góc trường đua Phú Thọ, họ làm nổ tung chiếc xe buýt, làm chết và bị thương nhiều tên địch. Hai tháng kế tiếp, bà tham gia đánh Cư xá hạ sĩ quan độc thân của Mỹ, tiêu diệt và làm bị thương trên 30 tên địch… Sau trận đánh này, địch theo dõi và tịch thu toàn bộ chùa Tam Bảo. Tăng ni phật tử bị tù đày, đánh đập dã man. Bà tổng kết: “Trong chiếc áo nhà tu, chúng tôi là những chiến sĩ cách mạng”. Cũng từ trận này, người lính “không có tóc”, mặc lam y ấy được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Chiếc xe gắn liền với quãng thời gian làm tình báo, biệt động của ni sư Huyền Trang
Hòa bình, bà trở về đời sống tu hành, tiếp tục khoác áo ni cô, trụ tại chùa Thất Bửu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) do cha bà sáng lập. Tư thất nằm bé nhỏ bên một khoảnh sân vườn, không tranh lợi với đời. Nhưng người đời dập dìu đến thăm bà, muốn nghe kể lại chuyện xưa tích cũ, muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với nữ biệt động ngày nào. Bà mở rộng cửa đón tiếp, trò chuyện say sưa đến quên cả sức khỏe của mình.
Những gì báo chí thông tin, những điều bà tự thuật chỉ là một phần nhỏ bà đã làm, để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đồng đội, bảo vệ bí mật quân sự. Trên bàn thờ là quyển “Huyền thoại Củ Chi”, lưu danh tên 45.639 liệt sĩ đang được thờ phụng tại Đền Bến Dược- Củ Chi. Ngày ngày, vào giờ trì kinh bái lễ Phật, bà dành toàn bộ lòng mình khẩn cầu mười phương chư Phật tiếp độ hương linh các chiến sĩ, đồng đội.
Chúng tôi “năn nỉ” bà vào nghỉ ngơi, xin phép trở lại một dịp khác, khi bà đã khỏe hơn. Bà bịn rịn, nấn níu khách bằng cách nằm trên võng, dõi theo chúng tôi ra cửa. Trước cửa tư thất, đóa sen trắng bình dị lẳng lặng trút cạn lòng mình mà nở rộ, như cuộc đời của Phạm Thị Bạch Liên - chú tiểu thông - Huyền Trang - Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông…
Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông tên thật là Phạm Thị Bạch Liên (sinh năm 1931), bí danh Huyền Trang. Là nữ cán bộ tình báo, biệt động thành Sài Gòn - Gia Định, bà đã có thành tích cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, được nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác. Đây chính là con người thật ngoài đời của nhân vật ni cô Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”. |
Bài, ảnh: GIA KHÁNH