Quang cảnh buổi thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang sáng 21-10
Nhìn chung, các vị ĐBQH thống nhất cao với các báo cáo, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và bộ, ngành trình bày vào ngày 20-10. Trung ương đã đánh giá rất thẳng thắn, chỉ rõ kết quả đạt được lẫn hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong 9 tháng của năm 2021, thể hiện rõ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn quân, toàn dân khi phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, các vị ĐBQH bày tỏ một số băn khoăn, đề xuất, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để tiếp tục đưa vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung phát triển khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Trong vấn đề thứ nhất (kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022), các vị ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đảm bảo sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL bao gồm An Giang, trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản giảm. Đề nghị Bộ Công thương có giải pháp tích cực, thiết thực, hiệu quả, góp phần tháo gỡ cho bà con nông dân. Nếu không, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và phát triển của vùng. Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần quan tâm, suy nghĩ về lợi ích của nông dân nhiều hơn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực ĐBSCL.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ có giải pháp căn cơ hỗ trợ người dân về nhà ở, đảm bảo đời sống khi sạt lở ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng quy mô lẫn tần suất, diễn ra vào mùa mưa lẫn mùa khô. Trong đó, An Giang là tỉnh đầu tiên ở hạ nguồn sông Mekong và chịu tác động rất lớn từ vấn đề này, với 53 đoạn có nguy cơ sạt lở (năm 2020) và 27 điểm sụt lún, 7 vụ sạt lở đất bờ sông trong năm 2021.
Đối với vấn đề thứ 2 (báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV), các vị ĐBQH rất tán thành việc ban hành Nghị quyết 30 khi cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện… để lãnh, chỉ đạo phòng, chống dịch. Đây là vấn đề rất mới, chưa từng có tiền lệ, tạo thuận lợi để Chính phủ thực hiện trách nhiệm của mình. Những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua được cả nước, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, Chính phủ cần nhìn nhận rằng, đã có lúc xuất hiện sự lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lúng túng khi phòng, chống dịch ở địa phương. Trong giai đoạn tới, đề nghị Chính phủ khẳng định lại, có còn hướng đến “mục tiêu kép”, hay chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh? Khi xác định rõ vấn đề này, Chính phủ sẽ có giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, các vị ĐBQH đề nghị Chính phủ tập trung triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành liên quan đến phòng, chống dịch; tăng tốc độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19; quan tâm hơn nữa chính sách dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và cả địa phương để phục hồi sau quá trình dài chống dịch.
Nhóm vấn đề thứ 3 xoay quanh tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương). Các vị ĐBQH tỉnh An Giang tin tưởng vào sự tăng trưởng khả quan trong năm 2022 và những năm tiếp theo, vì chúng ta đã có kinh nghiệm, quyết tâm chính trị, tâm thế, sự đoàn kết, đồng thuận của xã hội và sự linh hoạt điều hành của Chính phủ, bộ ngành.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ địa phương giải ngân vốn đầu tư công, thay vì đề ra tỷ lệ không phù hợp. Dự toán thu ngân sách nhà nước nội địa đề ra mức tăng 3,8%, cần phải xem lại, nâng cao tỷ lệ này. Ít nhất phải nâng lên gấp 5 lần mới có thể phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt, đề xuất Chính phủ chỉ đạo riêng cho lĩnh vực tài chính tín dụng, giúp doanh nghiệp, người dân được thuận lợi tiếp cận tín dụng, phục hồi sản xuất – kinh doanh.
Tin, ảnh: GIA KHÁNH