Doanh nghiệp chưa mặn mà bắt tay với trường nghề để đào tạo sinh viên

20/01/2018 - 08:16

Chủ trương đẩy mạnh phối hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp đã được triển khai. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mấy mặn mà với việc này.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 dự án Hợp tác chiến lược về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Đan Mạch, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá sự hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp thời gian qua thực sự chưa hiệu quả.


Việc thắt chặt mối quan hệ với doanh nghiệp sẽ giúp trường nghề đào tạo sinh viên sát nhu cầu thực tế hơn.

Xét về phía các trường cao đẳng, trung cấp, ông Giang cho rằng bản thân các trường còn thụ động trong việc kết nối và duy trì mối quan hệ với doanh nghiệp. Nhiều trường còn thiếu thông tin về doanh nghiệp nên không hiểu họ cần gì trong chương trình hợp tác đào tạo. Từ đó, kết quả không như mong muốn.

Tuy nhiên, thông qua thực trạng này, doanh nghiệp cũng thể hiện sự lơ là của mình trong quá trình hợp tác:“Phần lớn các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến việc hợp tác đào tạo với các trường nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa chia sẻ hết các tiêu chuẩn nghề nghiệp mà họ đang cần để đưa vào chương trình đào tạo tại các ngành nghề. Đặc biệt còn có các rào cản về nguồn lực và cả về niềm tin vào chất lượng trường nghề hiện nay", ông Giang cho hay. 

Không phải đến tận bây giờ mà từ nhiều năm qua, việc phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo đã được nhiều trường trung cấp, cao đẳng triển khai.

Chương trình đào tạo kép, tức là sinh viên được đào tạo lý thuyết ở trường và tham gia thực hành tại doanh nghiệp lâu nay đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc giảm dần độ chênh giữa chất lượng đào tạo nghề với nhu cầu thực tế. Thế nhưng, vì thiếu hành lang pháp lý cũng như chưa có những chính sách hỗ trợ nên đa phần các trường phải “tự bơi” từ khâu tìm kiếm đối tác đến duy trì mối quan hệ. Điều này gây ra không ít trở ngại cho các trường vì khi doanh nghiệp chưa nhìn thấy trách nhiệm và quyền lợi của họ trong sự hợp tác này thì việc họ không mặn mà cũng là điều dễ hiểu.

Theo TS Trần Đăng Bổng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông Lâm Nam bộ, chính cách làm chưa rõ ràng và sự gắn kết thiếu hệ thống đã khiến nhiều trường nghề bỏ lỡ các nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp như cơ sở vật chất, máy móc thực hành, nhân lực đào tạo.

TS Bổng cho rằng: “Doanh nghiệp chưa biết phải làm gì nên cứ nhận học sinh, sinh viên về rồi giao cho các em về các vị trí việc làm coi như là công nhân sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa biết cách tham gia đào tạo cùng nhà trường. Nhà trường cũng cử giảng viên xuống doanh nghiệp để thực hành, thực tập nhưng doanh nghiệp cũng phân giáo viên như một người công nhân”.

Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín tại TP. HCM thế nhưng theo bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, đến nay các chương trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp của trường vẫn chưa đạt được kết quả như mục đích ban đầu. Mặc dù nhà trường đã tạo mọi điều kiện để các phòng ban thuận tiện nhất trong quá trình hợp tác cùng doanh nghiệp, thế nhưng việc mở rộng chương trình đào tạo kép vẫn còn nhiều trở ngại. Doanh nghiệp đòi hỏi năng lực làm việc thực tế của sinh viên thực tập cũng như cần sự kết nối lâu dài từ các chương trình cụ thể. Trong khi đó chương trình đào tạo hiện hành không cho phép các trường gửi sinh viên đi thực tập quá lâu. Nhiều yếu tố ràng buộc khác cũng khiến trường chưa thể triển khai đồng bộ việc đào tạo kép cho toàn bộ chương trình đào tạo. Theo bà Lý, để làm được điều này nhà trường và doanh nghiệp phải có sự kết nối.

Năm 2018, 1 trong 3 đột phá của giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định là việc tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nhằm tạo việc làm và việc làm bền vững cho người học sau khi tốt nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, muốn làm tốt điều này, trước mắt phải giải quyết được những khó khăn đang tồn tại thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho chủ trương đúng đắn này cũng cần được quy định rõ. Chỉ có như vậy, bản thân các trường và doanh nghiệp mới biết mình cần làm gì và sẽ được gì từ sự hợp tác này, từ đó chủ động đưa ra các hướng giải quyết tích cực nhất trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu thực tế./.

Theo MỸ DUNG (VOV)

 

Liên kết hữu ích