Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Nhiều điều kiện kinh doanh khiến doanh nghiệp ở thế "khó chồng khó"
Theo đó, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản điều kiện kinh doanh thậm chí còn thắt chặt hơn.
“Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh cho thấy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định. Điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức, nhưng số lượng điều kiện kinh doanh có thể không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau”, TS Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, rào cản môi trường kinh doanh không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý Nhà nước. Thời gian qua, một số Bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn.
Trong khi đó, sau mấy năm chống chọi đại dịch, tiếp đến lại là khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn. “Cách hỗ trợ tốt doanh nghiệp tốt nhất là đừng ban hành thêm gì cả....”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam than thở.
Bà Lý Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh thực tế đang xảy ra nhiều bất cập. Thời gian qua, quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới đã đưa ra nhiều điều kiện không khả thi khiến hàng ngàn nhà xưởng mới xây hoặc mới sửa không thể đưa vào hoạt động.
Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý Nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh… Do vậy, đã tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Tại Hội thảo khoa học góp ý cho dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới đây, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định: Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn. “Trong 40 năm làm việc với doanh nghiệp, thời điểm này doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn nhất, chịu nhiều mất mát và thiệt thòi nhất. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp đang bị ba ‘cú đạp, cú đấm’ liên hồi, đó là COVID-19 bùng phát; ảnh hưởng của bên ngoài khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và lạm phát gia tăng; thủ tục hành chính trước đây cải cách bao nhiêu thì giờ chồng lên bấy nhiêu. Nên môi trường kinh doanh không có cơ hội cải thiện”, TS Nguyễn Đình Cung trăn trở.
"Cứ nhìn vào các con số chỉ tiêu chủ yếu, nhìn vào biến động và động lực thúc đẩy đằng sau thì tôi cũng cảm nhận là khó. Và khó khăn này không phải là 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng mà khó khăn này kéo dài 5 - 7 năm. Việt Nam phải tăng trưởng đến 7 - 8% thì mới phục hồi, chứ không thể lắt nhắt từng quý, từng tháng. Động lực, niềm tin của doanh nghiệp là khó có thể phục hồi.
Cần có những thay đổi đột biến, đột phá. Trong bối cảnh như thế, tinh thần của Chính phủ là thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích, hoặc sáng kiến tăng chi (để chi cho người dân). Phía Nhà nước cần thảo luận sử dụng nguồn thu có hiệu quả. Chính sách tài khóa không tập trung vào thu mà là về phía chi. Nghĩa là chi thế nào cho hiệu quả, chứ không phải tăng thu. Với cách làm như thế, tôi hy vọng mới có thể đạt được mục tiêu nhiệm kỳ và mục tiêu chiến lược", TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
"Trong 2 năm qua, có thể nói, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số Bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách giai đoạn trước", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét.
Tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ông Trần Duy Đông, năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết số 01/NQ-CP; trong đó, chú trọng một số nhóm giải pháp trọng tâm. Đó là cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; tiếp đến là tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Cùng với đó là chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; đảm bảo không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Cuối cùng là, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
“Trong giai đoạn 2016 - 2019, Bộ KH&ĐT đã cùng với các Bộ, ngành đã rà soát tổng thể; theo đó hầu hết các Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh) để cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh. Đây là con số hết sức tích cực”, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá.
Đại diện CIEM nhìn nhận: Điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi; số lượng điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, khó tiên liệu đã giảm đáng kể so với trước năm 2017; điều kiện kinh doanh về nhân sự, cơ sở vật chất cũng được quy định rõ và giảm mức độ đáp ứng điều kiện; các yêu cầu điều kiện về phù hợp với quy hoạch hoặc có phương án, kế hoạch kinh doanh đã được cắt giảm đáng kể và các yêu cầu về vốn được bãi bỏ ở hầu hết các lĩnh vực… Từ đó, tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Thảo, thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng có dấu hiệu chững lại. Ở một số lĩnh vực, rào cản điều kiện kinh doanh thậm chí còn thắt chặt hơn.
Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết: Bộ đang tiến hành tổng rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, trong đó có những rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan.
Về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, từ năm 2014, danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề. Sau đó, danh mục này được sửa đổi còn 243 ngành nghề (năm 2016) và còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020).
Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng và bao trùm hơn. Thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo danh mục của Luật Đầu tư 2020.
Ngoài ra, có một số ngành nghề được quy định tại pháp luật chuyên ngành, nhưng không thống nhất với tên quy định tại Luật Đầu tư 2020; một số ngành nghề chưa có cơ sở thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề hiện Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh; một số ngành nghề không có trong danh mục nhưng vẫn ban hành điều kiện kinh doanh; một số ngành nghề đã được bãi bỏ khỏi danh mục của Luật Đầu tư 2020 nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành. Mặt khác, vẫn có sự không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh cũng cho thấy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định. Điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức, nhưng số lượng điều kiện kinh doanh có thể không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau.
Để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đại diện CIEM kiến nghị: Các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023.
"Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật", lãnh đạo CIEM đề xuất.
Kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng số điều kiện kinh doanh đến hết năm 2016 có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh; trong đó khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không hợp lý, không có hiệu quả về quản lý nhà nước hoặc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh.
Đến hết năm 2019, hầu hết các Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh); và cắt bỏ, đơn giản hóa 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh.
Trả lời câu hỏi tại họp báo Chính phủ mới đây về quy định PCCC thời gian nào được giải quyết xong để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp?, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công trình hiện hữu nhưng không đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC tại thời điểm hoạt động; tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung nghị quyết 06 về PCCC cho nhà và công trình.
Thời gian qua, Bộ Công an đã rà soát lại các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, Việt Nam có khoảng 1.182.720 công trình. Tuy nhiên, có không ít công trình, tính ra khoảng 3,22% tức khoảng 38.000 công trình, đã đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Các công trình này thuộc đối tượng phải dừng hoạt động và việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi cung ứng dịch vụ hàng hóa, ảnh hưởng tới việc làm của một bộ phận lao động. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các công trình này, bằng việc đưa ra các giải pháp về tăng cường, bổ sung, nâng cao khả năng PCCC để sớm đưa vào hoạt động.
Liên quan đến Nghị quyết 06 về PCCC với nhà và các công trình, sau khi rà soát thấy, Bộ Xây dựng thấy có một số vấn đề: Thứ nhất, đối với công cơ sở hiện hữu thì đã giải quyết bằng Nghị quyết của Chính phủ; thứ hai, về Quy chuẩn 06/2022 ban hành có hiệu lực từ tháng 1/2023, qua đánh giá có một số vấn đề hiểu chưa đúng, áp dụng chưa đúng nên gây ra vướng mắc. Quy chuẩn 06 là quy chuẩn khó, kỹ thuật phức tạp, quy chuẩn viết cho cơ quan tư vấn.
"Bộ Xây dựng với tinh thần cầu thị tiếp thu đã nghiên cứu rất cẩn trọng các ý kiến đóng góp của các địa phương và các Bộ, ngành qua quá trình khảo sát cũng như các văn bản, đặt ra các mục tiêu, trước tiên sẽ ban hành sớm các hướng dẫn Quy chuẩn 06 để làm sao để hiểu đúng, áp dụng đúng trong quá trình thực hiện", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết.
Theo Báo Tin Tức