Doanh nghiệp phấn khởi nhận nhiều đơn hàng trong đầu năm mới
21/02/2024 - 14:48
Những ngày này, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã tấp nập mở cửa hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp tăng ca đầu năm để hoàn thiện các đơn hàng mới. So với năm ngoái, năm nay doanh nghiệp hoạt động trở lại sớm hơn và đơn hàng xuất khẩu cũng nhiều hơn.
AA
Sau Tết Nguyên đán, công nhân công ty Vissan bắt tay vào sản xuất từ sớm để hoàn thành các đơn hàng đã ký trước Tết.
Ngay khi trở lại hoạt động bình thường từ ngày 15/2 (mùng 6 Tết), Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã tổ chức cho công nhân làm việc 2 ca/ngày để kịp tiến độ các đơn hàng sau Tết. Trước đó, từ đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết, khối sản xuất đã bắt đầu sáng đèn trở lại để giết mổ lợn, bò cung ứng cho thị trường.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan cho biết: "Mùa kinh doanh Tết vừa qua, công ty điều tiết sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường; nên sau Tết, các mặt hàng lạp xưởng, giò lụa tại kho lẫn trên thị trường đều tồn rất ít. Vì thế, ngay từ mùng 6 Tết, Vissan đã tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ đơn hàng 135 tấn đồ hộp cung cấp cho Trường Sa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho khởi đầu năm mới 2024".
Tương tự, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh nghiệp trở lại sản xuất từ sớm để trả các đơn hàng đã ký từ trước Tết Nguyên đán 2024. Đây là đơn hàng Lộc Trời đã thắng thầu cung cấp 65.000 tấn gạo cho cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia (Bulog), được Bulog công bố vào đầu tháng 2.
"Tính đến nay, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng thầu với hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu của Indonesia. Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm khoảng 40% thị phần), mới đây Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Philippines về hợp tác thương mại gạo. Những thông tin này cho thấy, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm 2024 có nhiều tiến triển tích cực...", ông Thuận cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, ngay ngày khai trương đầu năm, công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng mới và đã giao ngay gần 60 tấn hàng hóa các loại, chủ yếu là nha đam và thạch dừa cho các khách hàng trong nước. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng hàng bán ra tăng gấp đôi, đây là một khởi đầu rất thuận lợi khi có đơn hàng khối lượng lớn, tính bằng container. Dự kiến, đầu tuần tới, GC Food sẽ có lô hàng xuất khẩu đầu tiên sau Tết. Qua làm việc với các đối tác nhập khẩu, GC Food nhận thấy kinh tế thế giới đang phục hồi và chắc chắn sẽ tốt hơn năm 2023, do đó doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 ở mức 30%.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, từ trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm liên tiếp nhận được những đơn hàng xuất khẩu mới. Có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đủ để sản xuất đến tháng 3 và 4, có doanh nghiệp ổn định được đến tháng 6/2024. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi cho rằng, để có đơn hàng xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn… theo đúng thị hiếu tiêu dùng trên thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng xanh hóa để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…
Bà Lý Kim Chi cũng thông báo tin vui, hiện nay định hướng của Chính phủ là vẫn lấy kinh tế nông nghiệp trong phát triển bền vững là trụ đỡ. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi trong việc xuất khẩu gạo, rau củ quả và một số sản phẩm chế biến. Điểm sáng của xuất khẩu nông sản hiện nay là Việt Nam không còn xuất khẩu gạo đại trà như trước đây mà tăng cường các loại gạo chất lượng cao. Ngoài các chủ trương của nhà nước, TP Hồ Chí Minh cũng đang vận dụng Nghị quyết 98 để đưa vào sản xuất, tạo cơ sở cho doanh nghiệp chính thức hóa một số hoạt động.
Ngay trong ngày 19/2, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước đã ký kết với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp trọng yếu để tiếp cận nguồn vốn trong chương trình kích cầu đầu tư của TP Hồ Chí Minh, giúp doanh nghiệp huy động nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hoặc bù lãi suất (lãi suất 0%) vào sản xuất.
Theo Báo Tin Tức
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: