Doanh nghiệp thích ứng sản xuất với biến động thị trường

13/11/2023 - 14:53

 - Từ quý III/2023, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh dần phục hồi. Tuy nhiên, biến động trên thế giới và thị trường tiêu thụ vẫn là những thách thức, đòi hỏi DN phải tính toán để điều chỉnh kế hoạch phát triển phù hợp.

Ngành dệt may, da giày phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu từ thị trường nước ngoài, vì thế đơn hàng sản xuất bị giảm đáng kể. Khó khăn là vậy, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến của nền kinh tế giúp DN tìm được hướng đi mới. Tại Khu công nghiệp Bình Hòa, hiện nay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều hoạt động ổn định và chuẩn bị mở rộng sản xuất trong năm mới.

Đại diện Công ty TNHH An Giang Samho cho biết, trong bối cảnh thiếu đơn hàng, biến động trên thế giới, đơn vị tập trung vào 2 mục tiêu hàng đầu là tạo ra sản phẩm chất lượng cao và giao hàng đúng hẹn để duy trì, phát triển đơn hàng. Hiện, công ty đã khởi sắc rõ rệt so với thời điểm đầu năm 2023. Công ty từng phải áp dụng nhiều phương pháp để duy trì hoạt động của nhà máy, như: Thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận nghỉ không lương, không tăng ca… với người lao động. Đến nay, hoạt động đã ổn định, có hơn 6.200 lao động, bố trí tăng ca, tạo thêm thu nhập cho công nhân. Đại diện công ty cho biết, sẽ duy trì mức ổn định này đến hết năm 2023. Dự kiến đầu năm 2024, công ty nỗ lực có nhiều đơn hàng để tiếp tục mở rộng sản xuất và tăng số lượng lao động làm việc.

Để vượt khó, doanh nghiệp có nhiều giải pháp thích ứng với biến động thị trường

DN ngành thủy sản cũng có những tín hiệu khả quan. Tình hình chiến sự ở một số nước trên thế giới diễn biến phức tạp, trong đó có thị trường tiêu thụ mặt hàng chế biến thủy sản bị ảnh hưởng. Khó đoán trước chiều hướng lâu dài, song từng giai đoạn, DN luôn nỗ lực để duy trì hoạt động. Điển hình tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh (TP. Long Xuyên), từ quý III/2023 đến nay, công ty đã có đơn hàng sản xuất trở lại. Nhưng để có được kết quả đó, phải chấp nhận giá cạnh tranh gay gắt, từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra trên thương trường.

“Toàn bộ sản phẩm của công ty đều xuất khẩu, nên để giá bán có lãi là việc khó khăn, có cả những đơn hàng lỗ và hòa vốn. Chúng tôi cố gắng để công nhân có việc làm, đảm bảo cuộc sống, hạn chế sản xuất gián đoạn. Đầu năm 2024, trên tinh thần đón đầu thông tin và đánh giá thị trường của công ty sẽ còn nhiều trở ngại. Trong đó, có việc xảy ra chiến tranh ở Israel - thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của công ty. Chúng tôi cân nhắc tính toán theo từng giai đoạn ngắn để đề ra giải pháp, đồng thời cũng căn cứ theo tình hình để chuyển hướng thị trường” - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh Bùi Thế Trang chia sẻ.

Linh hoạt theo tình hình thị trường, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chủ lực. Đặc biệt từ nay đến năm 2024, công ty tăng cường phối hợp các địa phương liên kết sản xuất đậu nành rau. Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh cho biết, thị trường tiêu thụ công ty hướng đến vẫn là Châu Âu, với các mặt hàng quả chế biến (thanh long, xoài, chuối) đang được tiêu thụ cao. Nhu cầu tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi, do diễn biến chiến tranh trên thế giới, đời sống người dân gặp khó khăn, ưu tiên lựa chọn thực phẩm chế biến thiết yếu hàng ngày. Từ tình hình trên, công ty đã phối hợp các địa phương đang thực hiện liên kết sản xuất, vận động nông dân chuyển từ diện tích trồng bắp non sang đậu nành rau (trừ các diện tích đang áp dụng mô hình bắp - bò). Công ty đảm bảo cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Diện tích liên kết trồng đậu nành rau sẽ tăng lên gấp 4 lần trong năm 2024, từ 250ha lên 1.000ha nhằm cung ứng các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Châu Âu.

Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 DN và 6.000 đơn vị trực thuộc đang hoạt động. Dù tình hình khó khăn, số DN đăng ký mới và quay trở lại thị trường vẫn cao hơn số tạm ngưng, giải thể. UBND tỉnh đánh giá, khả năng cả năm 2023, tỉnh có 800 - 900 DN thành lập mới. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN những tháng cuối năm cũng theo đó tăng hơn, tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo… Bên cạnh duy trì sản xuất ổn định, các DN rất nỗ lực để đổi mới, thích ứng tình hình, nhất là chuyển hướng để có thị trường mới, kể cả thị trường nhỏ lẻ nhưng nhu cầu tiêu thụ cao. Trong quá trình đó, mỗi quốc gia, khu vực sẽ có những tiêu chuẩn riêng, DN phải nỗ lực đáp ứng và không ngừng “làm mới” chính mình.

Dù có những dấu hiệu chuyển biến, nhưng thách thức của DN vẫn còn rất nhiều, khi kinh tế thế giới còn những biến cố và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Các DN xác định, trong thách thức vẫn có cơ hội nếu chủ động tìm kiếm, kèm theo những giải pháp đúng, kịp thời. Bên cạnh, DN mong muốn Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính để tận dụng cơ hội dịch chuyển cho cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất - kinh doanh.

HOÀI ANH