Độc đáo 2 cây dầu rái hàng trăm tuổi ở Bảy Núi

07/02/2023 - 07:02

 - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, 2 cây dầu rái hàng trăm năm tuổi ở vùng Bảy Núi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây không chỉ là tài sản diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu, mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ.

Trong số 2 cây dầu rái hàng trăm năm tuổi ở Bảy Núi thì cây dầu rái ở ấp Tô An (thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) được xác định là cây có tuổi thọ cao nhất với hơn 700 năm. Theo nhiều vị cao niên, từ khi họ sinh ra đã thấy cây dầu rái cổ thụ vững chãi, xanh tươi che bóng mát trên mảnh đất này. Cây dầu rái không có nhiều nhánh, thân cây to phải 8-9 người lớn ôm mới giáp vòng, chiều cao của cây hơn 30m vươn thẳng lên bầu trời. Có lịch sử tồn tại hàng trăm năm, chứng kiến nhiều biến cố của lịch sử, vì vậy thân cây dầu rái cổ thụ in hằn dấu vết của thời gian với những sần sùi, vỏ cây khô cứng như đá.

Cây cao to nên bộ rễ càng cắm sâu vào trong lòng đất và vươn rộng ra xa, trông giống như có một đàn mãng xà đang bò ngoằn ngoèo dưới gốc. Dưới tán cây dầu rái cổ thụ xanh mát như xua tan cái nắng chói chang, chúng tôi được nghe những câu chuyện thú vị từ các vị cao niên về nhiều sự kiện lịch sử, những kỷ niệm của người dân nơi đây gắn bó với cây cổ thụ này.

Nhiều người lớn tuổi sống gần cây dầu rái cho biết, trước đây, một số người định đốn cây lấy gỗ, nhưng bao nhiêu cây cưa, cây búa mang đến đều bị gãy hoặc hư hỏng không thể sử dụng được. Cho rằng cây có thần linh bảo hộ nên không ai dám đến đốn cây nữa. Bà con nơi đây rất tin tưởng vào sự linh thiêng của cây nên hễ ai chuẩn bị đi đâu xa cũng tới khấn vái, xin cây ban cho điều may mắn, phước lành.

Cây dầu rái hơn 700 năm tuổi ở ấp Tô An, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn

Thường vào đầu năm, nhà chùa sẽ tổ chức buổi lễ cúng để cầu cho người dân bình an, mùa màng bội thu... Vì vậy, người dân nơi đây, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer luôn tự hào về sự tồn tại của cây dầu rái cổ thụ. Tán cây không chỉ là nơi tụ họp, vui chơi mà còn gắn với nhiều dấu ấn lịch sử, là sự tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương.

Với những người con xa quê, họ lấy cây dầu rái quê nhà làm điểm mốc tinh thần, hướng về quê hương để tự hào với bạn bè, đồng nghiệp. Còn đối với du khách thập phương thì vô cùng tò mò khi đến chiêm ngưỡng vì từ xa đã thấy cây đứng to sừng sững, tỏa bóng mát cả một vùng.

Tại ấp Chơn Cô (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) có cây dầu rái với tuổi thọ hơn 300 năm, cũng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây dầu rái cao khoảng 20m, dáng đứng, thân cây rất khỏe mạnh và phát triển tốt. Chu vi thân cây lớn, khoảng 5 vòng tay người lớn ôm cũng không giáp. Các nhánh cây bên trên như những cánh tay khổng lồ, bên dưới là những cái rễ to cuồn cuộn nổi trên mặt đất.

Theo những vị cao niên trong vùng, không ai biết cây dầu rái có từ khi nào, chỉ biết từ rất nhỏ đã thấy cây đứng sừng sững nơi đây, nên cây dầu này có giá trị về mặt văn hóa, gắn với lịch sử khai phá và phát triển của vùng đất.

Cũng từ đó, cây dầu rái đã trở thành một biểu tượng tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh, là “vị thần bảo hộ” đối với người dân địa phương, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Người dân nơi đây rất yêu quý và xem cây dầu rái như một phần của gia đình mình nên mọi người luôn ý thức chăm sóc và bảo vệ cây.

Cây dầu rái còn là địa điểm “check-in” hấp dẫn đối với du khách yêu thích thiên nhiên. Đây được xem là cách quảng bá văn hóa, du lịch sinh thái. Qua đó, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ những giá trị mà cha ông đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngoài 2 cây dầu rái ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, An Giang còn có 6 cây cổ thụ khác được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đó là 3 cây bằng lăng nước hơn 300 tuổi ở thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân); 2 cây vải thiều hơn 300 tuổi ở xã An Tức và cây me chua hơn 600 tuổi ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn).


TRỌNG TÍN