Độc đáo các môn thể thao truyền thống

13/09/2023 - 07:00

Bên cạnh các môn thể thao hiện đại thì nhiều môn thể thao truyền thống, như: Đua thuyền, đẩy gậy, cờ tướng, kéo co... có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người dân, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho Nhân dân, đồng thời bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, các môn thể thao truyền thống đã tạo sức hút lớn với người dân, hình thành phong trào tập luyện, thi đấu sôi nổi, rộng khắp. Tổ chức các giải đấu, hội thi thể thao truyền thống trong các dịp lễ, Tết không chỉ mang ý nghĩa giữ gìn, bảo tồn nét đẹp truyền thống mà còn là sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân. “Tôi rất thích các môn thể thao truyền thống, nó không chỉ giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp nối văn hóa truyền thống do cha ông để lại” - ông Huỳnh Văn Biên (huyện Phú Tân) nhấn mạnh.

Điển hình như môn đẩy gậy, chỉ cần một cây gậy thẳng làm bằng tre già hay những thanh gỗ tốt là có thể chơi được. Sân thi đấu cũng đơn giản chỉ là bãi đất trống bằng phẳng trước nhà, rồi vẽ thành một vòng tròn để 2 người thi đấu bên trong, người xem đứng xung quanh cổ vũ. Hai người chơi bước vào vòng tròn, cố dùng sức đẩy đối phương té ngã hay văng ra khỏi vòng tròn coi như thắng cuộc.

Anh Nguyễn Văn Khánh (TX. Tịnh Biên) chia sẻ: “Đẩy gậy là môn thể thao rất hấp dẫn. Để chơi tốt môn này, không chỉ cần sức khỏe mà còn đòi hỏi phải có kỹ thuật, chiến thuật, bản lĩnh và tâm lý thi đấu vững mới giành chiến thắng. Không phải có sức khỏe, thân hình cao to là thắng. Nhỏ con vẫn có thể thắng như thường. Hơn nhau là ở kỹ thuật, sự khéo léo và biết tận dụng thời cơ khi đối phương mệt hoặc lơ là thì mình nhanh chóng dồn hết sức đẩy gậy sẽ đánh bại được đối phương”.

Còn có môn thể thao truyền thống mang tính đồng đội như kéo co, với 2 đội chơi có số lượng người đều nhau, thường mỗi bên có 8 - 10 người. Khi thi đấu, mỗi đội sẽ nắm vào một đầu của sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng 1 dây vải đỏ làm mốc. Đội nào kéo được đội đối phương vượt qua vạch vôi là thắng cuộc. Mỗi cuộc thường thi đấu 3 hiệp, đội nào thắng 2 hiệp thì giành phần thắng.

Trong các lễ hội, hội thao hay bất kỳ giải thi đấu nào, mỗi khi diễn ra các trận thi đấu của môn kéo co thì không khí trở nên vô cùng náo nhiệt, tạo thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của rất nhiều người. “Cố kéo hết sức, ngã người ra phía sau, nhích lùi từng bước một theo nhịp đếm cả đội, tuy có mệt nhưng rất vui. Kéo co còn giúp em và các bạn trong lớp đoàn kết, gắn bó nhiều hơn” - em Nguyễn Thanh Sang (học sinh ở huyện An Phú) hào hứng.

Hay, dễ chơi, không phân biệt tuổi tác hay giàu nghèo và chẳng tốn kém như môn cờ tướng, có thể chơi mọi nơi vào những lúc rảnh rỗi để giải trí, rèn luyện khả năng tập trung, tư duy logic, cải thiện trí nhớ… Là môn thể thao không yêu cầu cao về sân chơi, dụng cụ, trang thiết bị cũng như số lượng người chơi (chỉ cần 2 người chơi là đủ), đây là lý do giúp đánh cờ dần trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích từ nông thôn đến thành thị. Anh Trần Nhật Minh (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi thấy đánh cờ rất bổ ích, tạo cho mình thói quen tập trung cao và sự kiên nhẫn, khiêm nhường, bình tĩnh để suy nghĩ mọi vấn đề sâu sắc hơn”.

Dù thắng hay thua, tất cả mọi người khi tham gia các môn thể thao truyền thống đều rất vui vẻ, tình đoàn kết, gắn bó giữa bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp thêm bền chặt.

Hiện nay, ngành thể  dục - thể thao An Giang đã đưa các môn thể thao truyền thống vào Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số, Hội khỏe Phù Đổng, các ngày lễ, Tết, sự kiện văn hóa - thể thao... thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của các môn thể thao truyền thống.

TRỌNG TÍN