Độc đáo "chợ đồ sỉ”

17/05/2024 - 06:53

 - Nằm bên dòng sông Hậu hiền hòa, hàng ngày "chợ đồ sỉ” Long Xuyên bán buôn tấp nập. Nông sản ĐBSCL tập kết về đây rộn rã, tạo nên diện mạo trù phú của vùng sông nước châu thổ Cửu Long.

Mua 10kg trở lên mới được

9 giờ sáng, "chợ đồ sỉ” được tiểu thương nhóm họp sôi động. Trên những cung đường, khung cảnh bốc xếp hàng hóa của “bác tài” giao cho tiểu thương thật chộn rộn. Tấp vào một tiệm bán trái cây, chúng tôi định mua vài ký chôm chôm về dùng.

Nhưng các tiểu thương không bán lẻ. Trái cây được tiểu thương đựng vào bọc ny-lon hoặc thùng carton, thùng xốp, mỗi phần 10kg. “Mua vài ba ký, tôi không bán đâu. Nếu mua 5kg, tôi chịu khó chiết riêng 1 bọc. Khách quen mới bấm bụng bán đó” - chị Hằng cho biết.

Khu vực buôn bán trái cây này có hơn 20 tiểu thương mở sạp bán sỉ đủ loại. Mỗi ngày, khoảng 30 - 40 tấn trái cây (thanh long, bòn bon, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, xoài…) được tiêu thụ.

Qua đó, giải quyết công ăn việc làm cho cả trăm lao động nhàn rỗi, từ việc khuân vác, chở xe, lựa trái cây. Ngày trước, đường sá chưa thông suốt, đi lại khó khăn, người dân chở trái cây, hàng nông sản bằng ghe đến đây nườm nượp. Ngày nay, "chợ đồ sỉ” đã ăn sâu vào nếp ăn, nếp nghĩ của người dân.

Ông Cang (70 tuổi, một trong những tiểu thương bán trái cây kỳ cựu nhất ở đây) kể, chợ có thời “trào Pháp”, nhóm họp gần cầu Duy Tân thời gian dài. Chợ dời về nơi mới hơn 20 năm.

Theo thời gian, vạn vật biến thiên, "chợ đồ sỉ” vẫn hoạt động náo nhiệt. "Bận đó, khu vực này có con rạch nhỏ, ghe xuồng đậu kẹo nẹo mang hàng hóa, trái cây lên bán rất đông vui. Xóm thương hồ xuôi ngược đó đây, mua bán hàng hóa đủ loại. Nhiều người còn bổ hàng chèo ghe lên tận Nam Vang (Campuchia) để bán kiếm lời. Ông già tôi là thương hồ, một thời đi ghe lên Nam Vang bán muối hột đắt lắm! Nhiều thương buôn còn chở hàng nông sản lên Biển Hồ bán cho bà con Việt kiều” - ông Cang bộc bạch.

“Mùa nào thức nấy” là quy luật muôn thuở trong canh tác, trồng trọt của nhà vườn. Nhưng ngày nay, họ đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cho trái nghịch vụ nên trái cây dường như có quanh năm. Do đó, khung cảnh mua bán ở đây lúc nào cũng đông đúc.

Ông Cang cho hay: "Bây giờ, các tỉnh trồng vườn nhiều nên trái cây khá đa dạng. Trái cây đặc sản (vú sữa Lò Rèn, bơ Phong Điền (TP. Cần Thơ), sầu riêng (tỉnh Tiền Giang), dâu xanh, nhãn (tỉnh Vĩnh Long), thanh long (tỉnh Bình Thuận)… nhà vườn toàn cho trái nghịch vụ để bán được giá. Ở đây, bán giá sỉ nên bạn hàng đường xa mua về bán lẻ có lời khá hơn”.

Buôn bán sôi động

Phía trên là khu vực bán rau, củ. Đang loay hoay bán khoai lang cho bạn hàng đường xa, gặp chúng tôi, anh Đạt (42 tuổi) tâm sự, ngày trước, anh vừa làm việc trong một cơ quan Nhà nước, vừa bán hàng nông sản. Lúc đó, thị trường nông sản buôn bán sôi động, anh quyết định nghỉ việc, chuyển sang bán hàng nông sản tới nay.

“Một mình kiêm 2 việc, tui làm không xuể. Hồi đó, tui có chiếc ghe, mỗi chuyến đi xa bổ hàng mang về chợ Long Xuyên bán kiếm lời vài triệu đồng. Thấy vậy, tui quyết định chọn nghề tiểu thương này luôn. Trung bình mỗi ngày, tui bán trên 10 tấn hàng củ nông sản. Có ngày, tui lời vài triệu đồng. Mỗi tháng, bỏ sở hụi lời ngót nghét hơn chục triệu đồng là chuyện thường” - anh Đạt bật mí.

Tuy nhiên, chuyện kinh doanh của tiểu thương không “thuận buồm xuôi gió”, do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Theo anh Đạt, trước đây, hầu hết tiểu thương đều làm ăn cực thịnh.

“Hồi chưa có dịch COVID-19, hàng nông sản bán chạy lắm! Bổ hàng về hôm trước, hôm sau lên giá. Khoai lang, khoai ngọt, bắp cải tăng từng ngày, do nhu cầu bà con ăn hàng mạnh. Mỗi ngày, sạp củ, quả của tui thu hút hơn 20 mối lái, bạn hàng đường xa đến bổ hàng sỉ. Giờ đây, giá cả nông sản bấp bênh, kéo theo việc buôn bán không ổn định. Bạn hàng giảm mạnh do bán buôn ngày càng ế ẩm. Hiện nay, bán chỉ còn 1 - 2 tấn/ngày" - anh Đạt than thở.

Nhớ lại hơn 15 năm trước, anh từng giong chiếc ghe bầu xuôi ngược khắp sông nước miền Tây. Lúc thì xuống Trà Vinh mua khoai ngọt, khi thì về Vĩnh Long vào tận ruộng thu gom khoai lang chở về chợ Long Xuyên cân cho tiểu thương. Mỗi chuyến đi xa, anh Đạt kiếm lời “bộn bạc”. Có khi, nhà nông còn tặng thêm hàng nông sản chở khẳm ghe mang về. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá.

“Mình bỏ công đi xa, vào tận ruộng mua nông sản giá rất rẻ. Sau này, tui bỏ ghe lên bờ, mở sạp bán cho đỡ vất vả. Mới mở sạp làm ăn được lắm! Ban đầu, tui bán chịu, chừng nào bạn hàng có tiền thì trả. Mấy năm đầu, họ mua bán trả tiền êm rần. Sau đó, họ thiếu kéo dài, rồi giựt nợ luôn” - anh Đạt kể.

Hôm ngồi tâm sự với anh, những người có hoàn cảnh khó khăn đến xin khoai cao, khóm, anh vui vẻ cho họ mang về. “Muốn lấy nhiêu cũng được. Mùa dịch COVID-19, tui cho hàng tấn củ, quả để bà con sử dụng trong lúc khó khăn” - anh cho hay.

Trưa nắng gắt, tiểu thương đường xa khệ nệ giỏ hàng nông sản chất lên xe, tủa ra phân phối các chợ vùng hẻo lánh. Những chuyến xe tải từ khắp ĐBSCL tập kết trái cây đến "chợ đồ sỉ”, rồi hối hả rời đi. Thời gian thoi đưa, chuyện buôn bán của thương hồ và tiểu thương tại chợ vẫn diễn ra rộn ràng theo nhịp đập cuộc sống.

HOÀNG MỸ