Đất lành…
Qua phà Trà Ôn nhìn chếch về hướng Đông, nếu tinh ý sẽ thấy đàn dơi bay lượn trên không. Du khách nhắm theo hướng bay của chúng mà đến được nơi đàn dơi đang trú ngụ. Vừa tới chợ Trà Mơn, chúng tôi hỏi đường đến “chùa dơi” (Hưng Long tự), ai cũng biết. Từ chợ Trà Mơn đến “chùa dơi” đi một vòng men theo con rạch nhỏ, qua 2 cây cầu đúc, mất khoảng 15 phút. Sở dĩ gọi “chùa dơi” là do trước đây Hưng Long tự có đàn dơi trú ngụ, nên bà con quen gọi như vậy. Vừa chạy tới cổng chùa, chúng tôi thấy đàn dơi uốn lượn trên không. Quan sát xung quanh chùa có những cây sao, dầu cổ thụ được trồng khoảng trăm năm, cao hàng chục mét, là chỗ ở lý tưởng và an toàn cho đàn dơi quạ.
Những người làm công quả cho chùa đang lom khom quét rác xào xạc dưới gốc cây gom lại từng đống, vậy mà đàn dơi vẫn ung dung đu ngược mình trên cây, không chút sợ người. Bà Nguyễn Thị Ngữ (62 tuổi) cho biết: “Đàn dơi quen sống chỗ này rồi! Dù có tiếng động hay tiếng ồn, đàn dơi vẫn đeo mình trên cây cao. Loài dơi này ở đây đã quen hơi người, không ai đụng chạm đến chúng”.
Thấy đàn dơi bay, chúng tôi giơ máy lên chụp ảnh, anh Trần Văn Sĩ nhà ở gần chùa cũng đến xem. Để chụp thấy cảnh đàn dơi bay lượn trên không, anh Sĩ dùng cục đá đập mạnh vào những thân cây tạo tiếng động lụp cụp, vậy mà chúng không hề hốt hoảng. “Hôm rồi, có nhiều đoàn khách đến tham quan, đàn dơi bay xung quanh chùa rất nhiều. Từ lâu, bà con ở đây luôn ý thức bảo vệ đàn dơi. Những ngày đầu khi dơi bay về ở, có người đến săn bắn, nhưng bà con tuyệt đối không cho ai xâm hại đến chúng” - anh Sĩ cho hay. Anh Sĩ phỏng đoán, đàn dơi này khoảng 3.000 con, đậu trên cây cao, sống thành bầy đàn. Trong đó, có một con đầu đàn nặng hơn 2kg. Chúng đeo mỗi cành cây khoảng 10 con, rất trật tự, không để xáo trộn hay xung đột lẫn nhau.
Dơi không phá cây trái
Chúng tôi thắc mắc nơi đây có đặc biệt gì mà đàn dơi quạ bay về trú ngụ. Thậm chí, người dân nơi đây cũng không giải thích được hiện tượng đàn dơi về ở tại nơi đất lành này. Theo chú Hai No (73 tuổi), người làm thiện nguyện xây cất nhà ở xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, nhờ có diện tích rộng khoảng hơn 1ha, cây cổ thụ nhiều nên Long Hưng tự thu hút được đàn dơi quạ này. Bên hông chùa, mặc cho tiếng máy cưa, tiếng đục, đẽo… của những thợ mộc miệt vườn, nhưng đàn dơi vẫn ở “lì” trên cây. Đẩy chiếc máy bào âm thanh phát ra rèn rẹt nghe đinh tai, gặp chúng tôi, chú Hai No cho biết: “Đàn dơi này đến ở tại khuôn viên chùa gần 20 năm qua. Chúng tôi có mặt tại đây mỗi ngày, vừa làm công quả, vừa bảo vệ đàn dơi không cho ai săn bắt. Trước đây, có người đến dùng ná bắn, chúng tôi kiên quyết đuổi không cho họ bén mảng vào khu vực này”.
Thật lạ, có nhiều nơi hoang vắng, an toàn hơn, nhưng đàn dơi không trú ngụ, vậy mà không biết từ đâu, chúng gọi bầy đến ở ngay xứ cù lao này. Ngước nhìn trên ngọn cây cao, chú Hai No cho biết, đàn dơi quạ kéo về ở đông nhất từ tháng 4 - 8 âm lịch trong năm. Sau vài tháng, nhiều con bay về núi, rừng sinh sản, chỉ còn vài trăm con đậu lại. Mỗi năm, số lượng dơi quạ bay về đậu trên ngọn cây cao đông dần. Giờ đây, đàn dơi quạ này được người dân rất yêu mến, bảo vệ. “Nghe tiếng kêu của bầy dơi rất vui tai. Buổi sáng, đàn dơi bay rần rần đón nắng rất đẹp. Chiều tối, chúng bay đi kiếm ăn. Thức ăn của loài dơi này chủ yếu là trái gáo trắng trên đồng”- chú Hai No nói.
Quanh năm, đàn dơi quạ chưa bao giờ cắn phá bất kỳ loại trái cây nào của người dân trồng bên cồn. Những quầy chuối, trái xoài… được bà con trồng gần chùa, nhưng chưa bao giờ nghe họ phàn nàn bị dơi phá phách. Cô Ba đang tu trong chùa Hưng Long nói rằng, hàng ngàn con dơi đậu trên cây cao đang được chùa bảo vệ nghiêm ngặt. Nhận thức được việc bảo vệ loài thú rừng hoang dã, bà con ở đây không bao giờ săn bắt. “Có đàn dơi rừng về trú ngụ tại khu vực chùa, người dân vui mừng khấp khởi. Chúng có bộ lông đen - cam rất đẹp. Hàng ngày, người dân đến đây xem đàn dơi bay lượn, rồi ghi lại những bức ảnh kỷ niệm. Có được đàn dơi quạ này, góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp cho xứ cù lao Ông Hổ” - cô Ba phấn khởi nói.
Trưa nắng gắt, đàn dơi tung cánh vùn vụt, lượn vòng xung quanh chùa như biểu diễn trên không, trông rất đẹp mắt, tô thêm sự sống động cho vùng đất cù lao Ông Hổ thêm muôn màu, muôn vẻ.
Dơi quạ thuộc loài động vật có vú, đầu hao hao chó con, có sải cánh dài hơn 1m, nặng hơn 1kg, cổ màu cam, thân màu đen tuyền bóng mượt. Món “khoái khẩu” của loài dơi quạ là trái cây. Khi đậu trên cành cao, dơi treo ngược đầu xuống đất, 2 cánh ôm choàng toàn thân tránh mưa, nắng. Cách vài tiếng đồng hồ, chúng bay thành đàn một lần để hít thở không khí trong lành. Thông thường, loài dơi quạ thích đậu trên những ngọn cây cổ thụ để tránh bị săn bắt. Ở An Giang, dơi quạ phân bố nhiều ở rừng tràm Trà Sư, các hang núi cao để sinh sản, tăng bầy đàn. |
LƯU MỸ