Theo người dân sinh sống ở núi Cấm, rau hoang dã ở đây được chắt lọc từ tinh túy của đất trời, nên mang vị ngọt lành và tính dược thanh khiết. Điều này, không chỉ tạo nên hương vị độc đáo cho các món ăn, mà còn có lợi cho sức khỏe của con người.
Khác với những loại rau thường thấy ở nơi khác, những loại rau ở núi Cấm có màu sắc đa dạng và phong phú, với hơn 30 loại rau khác nhau, tạo nên hương vị độc đáo mà không thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Trong đó, rau tía tô rừng, với màu đỏ tươi xen tím, có vị chua đặc trưng, được xem là một loại rau được yêu thích. Bên cạnh đó, rau hoàng ngọc lại là thực phẩm bổ trợ cho người bị xương khớp, còn rau ái nhĩ lan thì rất tốt cho sức khỏe phụ nữ; đọt sung giúp giảm đau bao tử, cùng nhiều loại rau khác, như: Đọt dâu, bơ, kim thất, sao nhái, cát lồi... đều có công dụng và vị riêng.
Được thiên nhiên ban tặng nhiều loại rau rừng, nên nghề hái rau rừng ở núi Cấm được xem là công việc thường nhật và là nguồn sống của nhiều hộ gia đình ở địa phương. Chị Dạ Thảo (40 tuổi, ngụ ấp Thiên Tuế) cho biết, mỗi ngày chị và gia đình phải thức dậy sớm để chuẩn bị cho chuyến đi hái rau. Dân "săn" rau băng rừng vượt núi để tìm kiếm các loại rau tươi ngon, trong đó, nhiều loại rau chỉ có thể hái được bằng cách leo lên cây cao.
Một ngày băng rừng, lội suối, chị Thảo có thể hái được từ 35 đến 40kg rau rừng. Sau khi hái xong, chị Thảo cùng người trong gia đình mang rau về cắt tỉa, rửa sạch, rồi đem đi bán cho các quán bánh xèo ở núi Cấm, với giá 20.000 đồng/kg hoặc bán cho khách du lịch, với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg.
"Những người hái rau rừng phải có kinh nghiệm, biết cách tìm và nhận biết các loại rau, cây, để tránh nhầm lẫn với những loại độc hại. Đồng thời, cũng phải biết “để dành”, nhằm góp phần bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng Bảy Núi..."- chị Thảo nói.
VIỆT ANH