Đôi chân trần bên quả bóng tròn

12/12/2023 - 06:27

 - Những tiếng í ới, tiếng hô vang “vào, vào”, kèm động tác ăn mừng với nụ cười đầy phấn khích, tạo không khí vui tươi tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Ở vùng ngoại ô Mỹ Khánh, niềm vui của những em nhỏ đơn giản là tụ họp lại sân cát, chia đội đùa vui bên trái bóng tròn, với những đôi chân trần trên sân bóng mà mỗi khi chạy, bụi phảng phất bay. Sân chơi mộc mạc giúp các em thỏa niềm vui và rèn luyện sức khỏe.

Em Phan Thanh Hà (xã Mỹ Khánh) chia sẻ: “Ngoài thời gian đi học, tụi em không có gì để chơi nên kéo nhau về Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã chơi đá bóng, đá mệt thì ngồi lại trò chuyện với nhau. Ba em làm tài xế, mẹ làm công nhân, điều kiện gia đình không khá lắm, nên tụi em ít được chở ra trung tâm TP. Long Xuyên chơi, đá bóng là niềm vui lớn nhất. Từ nhỏ, tụi em đá chân không quen rồi, mang giày đá không quen, cũng đỡ… tốn tiền. Nhiều khi cũng bị tróc da, băng lại rồi vài ngày đá tiếp”.

Với em Nguyễn Đức Thịnh, được cha mẹ trang bị cho đôi giày đàng hoàng nhưng em không mang. “Mấy bạn đi chân không, mình mang giày lỡ đạp trúng chân mấy bạn thì đau lắm. Vậy là em không mang giày, hòa nhập hội chân không cùng bạn bè. Ngoài đá bóng, em còn chơi đánh cầu lông. Trung tâm mới làm lại sân cầu lông nên tụi em cũng tập đánh, có thêm môn giải trí khác ngoài đá bóng” - Thịnh vui vẻ.

Đối với trẻ em ở vùng nông thôn cách xa trung tâm đô thị, các loại hình, khu vui chơi, giải trí còn hạn chế. Do vậy, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng là điểm sinh hoạt thường xuyên, giúp các em vui chơi cùng nhau, vận động thể dục - thể thao, rèn luyện sức khỏe, giảm bớt chơi game, xem điện thoại.

Quẹt những giọt mồ hôi, uống vội miếng nước sau một lúc chạy tranh bóng, em Trần Đăng Khoa với nước da đen nhẻm, dáng hơi gầy, nói vội: “Sân cát, nếu mang giầy dễ bị hạt cát rơi vào, rất khó chịu, nên cứ chân không mà chạy cho thoải mái. Ai đá mệt cứ ra nghỉ, hết mệt chạy vô đá tiếp. Khi nào gần tới giải thi đấu, tụi em mới mang giầy cho quen chân”.

Chú Trần Hữu Đức là người quản lý và dạy kỹ thuật cơ bản cho các cháu học sinh tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã Mỹ Khánh. “So với các cháu ở trung tâm đô thị, trẻ em ở đây thiệt thòi hơn, phần do điều kiện gia đình không mấy khá giả, cha mẹ các cháu đa phần làm nông hay làm công nhân các khu công nghiệp, ít có thời gian đưa con đi chơi. Các cháu đá bóng chân không, nhưng đó cũng là cách sinh hoạt tốt nhất. Học sinh ít có nơi để vui chơi, giải trí, chỉ quanh quẩn ở xã. Ngoài giờ học, các cháu đều đến trung tâm đá bóng thường xuyên nên biết mặt hết, xem như con cháu trong nhà” - chú Đức chia sẻ.

Chú Đức cho biết thêm, mỗi khi tụi nhỏ đá bóng va chạm với nhau, cự cãi lớn tiếng, chú đều nhắc nhở, khuyên giải để biết nhường nhịn, yêu thương nhau. “Cuộc sống khó khăn thì phải biết nương tựa nhau, để tụi nhỏ lớn lên có đạo đức tốt, nên người. Cũng nhờ không được nuông chiều, phải tự lo cho bản thân từ nhỏ nên các cháu rất kiên cường và mạnh mẽ, biết vượt lên số phận, cố gắng học tập, rèn luyện thể thao. Nhờ vậy mà đội bóng đại diện cho xã Mỹ Khánh đi thi đấu, thường đạt giải cao” - chú Đức nói thêm.

Mới đây, tận dụng khoảng trống trước hội trường Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã Mỹ Khánh, chú Trần Hữu Đức đã vẽ sân cầu lông, trang bị giá lưới có thể di chuyển tới lui, các cháu muốn đánh cầu thì đem ra, đánh xong cất vô cho tiện; tạo khoảng trống để sinh hoạt chung. Chú Đức còn chuẩn bị thêm sân bóng chuyền, giúp học sinh trong xã có thể tiếp cận đa dạng môn thể thao, nhằm phát hiện cháu nào có năng khiếu môn gì thì hướng dẫn, chỉ dạy cơ bản cho các cháu môn đó. “Các cháu đang độ tuổi ăn, tuổi lớn, việc rèn luyện thể chất rất quan trọng, nhằm giúp các cháu phát triển toàn diện” - chú Đức nhấn mạnh.

Trong sự thiệt thòi của vùng ngoại ô Mỹ Khánh, trẻ em nơi đây lại có điều kiện chơi đùa, đá bóng, đánh cầu, tập bóng chuyền hồn nhiên bên nhau, rộn vang tiếng cười và thêm đoàn kết, gắn bó. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc mà không phải trẻ em nơi trung tâm phố thị dễ có được. Biết đâu sau này, những đôi chân trần bên trái bóng tròn, trên nền đất lòi lõm, bụi cát phảng phất bay ấy, lại vững bước hơn trên đường đời…

ĐĂNG LÂN