Đổi mới sách giáo khoa - cần cái nhìn tổng thể

31/01/2023 - 06:46

 - Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 trong năm học 2020-2021. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai “một chương trình, nhiều SGK”. Sự thay đổi này chắc chắn gây ra nhiều xáo trộn tích cực lẫn tiêu cực.

Giám sát chuyên đề tại UBND tỉnh

Chủ động thực hiện

Sau khi áp dụng với lớp 1, năm 2021-2022, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là lớp 3, 7, 10 (năm 2022-2023), 4, 8 và 11 (năm 2023-2024), cuối cùng là 5, 9, 12 (năm 2024-2025). Tại An Giang, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục.

So với trước đây, ở SGK mới, học sinh có thể tự đọc và tự học một phần kiến thức nội dung mới. Giáo viên có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn sách khác nhau để tổ chức, thiết kế kế hoạch bài dạy. Sách đáp ứng được nhu cầu về hình ảnh, kênh chữ, kênh hình hợp lý, các hoạt động phong phú, nhiều cách tiếp cận kiến thức mới từ vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá.

Tỉnh thực hiện quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục; thành lập hội đồng lựa chọn SGK đúng, đủ thành phần và số lượng, từng hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá và biểu quyết (bỏ phiếu kín) trên cơ sở các bộ SGK được trường học lựa chọn, đề xuất. Sau khi có kết quả lựa chọn của các hội đồng, Sở GD&ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm thông tin: “Sau khi có quyết định phê duyệt SGK của UBND tỉnh, cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn, công bố rộng rãi các loại sách mà trường sử dụng, giúp học sinh, phụ huynh, cơ sở tư nhân, nhà sách… chuẩn bị trước khi bước vào năm học mới. Trường học dựa trên học sinh của từng khối lớp, thống kê chi tiết nhu cầu từng loại sách, báo cáo Sở GD&ĐT nắm. Đồng thời, thông tin với các đơn vị cung ứng, chuẩn bị kịp thời nhu cầu về SGK mới trên địa bàn toàn tỉnh (thực hiện trong tháng 5 hàng năm). Sở GD&ĐT chủ động phối hợp, yêu cầu nhà xuất bản thông qua các đơn vị cung ứng tại tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, phân phối SGK đến đại lý, nhà sách trong tỉnh, nhằm phục vụ tốt cho học sinh. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị trường học chủ động trang bị SGK mới phục vụ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua thực tế khảo sát, 100% học sinh có đầy đủ sách để học. Một số học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được cơ sở giáo dục cho mượn hoặc tặng SGK (nguồn xã hội hóa)”.

UBND tỉnh thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xây dựng tuân thủ quy định được nêu trong chương trình tổng thể, tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, đã biên soạn xong tài liệu lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10, được Bộ GD&ĐT phê duyệt; chờ thẩm định giá đối với lớp 3, 7, 10.

Cần tháo gỡ bất cập

Theo UBND tỉnh, việc cung ứng SGK năm học 2021-2022, trang bị SGK lớp 10 đầu năm học 2022-2023 còn một số bất cập. Thông tư hướng dẫn danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành kịp thời. Tuy nhiên, thời điểm công bố kết quả lựa chọn SGK khá dài, dẫn đến việc sau khi lựa chọn được danh mục thiết bị đầu tư thường bước vào quý II năm tài chính (thời điểm đã được giao dự toán năm tài chính mới), khó bổ sung kinh phí sử dụng riêng cho việc mua sắm, bổ sung trang thiết bị để phục vụ chương trình.

Mặt khác, mỗi đơn vị lựa chọn bộ SGK khác nhau, dẫn đến hình ảnh minh họa (thiết bị) khác nhau. Đối với SGK lớp 10 năm học 2022-2023, một trường có nhiều tổ hợp môn, học sinh phải mua sách theo tổ hợp môn đã chọn. Nhà sách không thể gói tất cả SGK để bán theo bộ như trước đây, trong khi tâm lý phụ huynh chưa quen với việc mua SGK theo danh mục trường đã thông báo. Vì vậy, quá trình mua sắm SGK đầu năm kéo theo không ít bất tiện.

“Điều đang được quan tâm hiện nay là giá SGK cao hơn so với trước. Qua kiểm tra thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục, phần lớn phụ huynh trang bị được SGK cho con em học tập. Nhưng một số phụ huynh thuộc vùng sâu, miền núi còn than phiền về giá SGK. Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ giá cho SGK, đặc biệt là SGK bậc tiểu học, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin, khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát nội dung này.

Ngoài ra, An Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”, nhằm làm rõ kết quả đạt được, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành và địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khảo sát tại Trường THCS Lý Thường Kiệt, Trường Phổ thông Thực hành sư phạm (TP. Long Xuyên); Trường Tiểu học B thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn); Trường THPT Trần Văn Thành (huyện Châu Phú); giám sát trực tiếp tại Sở GD&ĐT, UBND tỉnh. Đồng thời, giám sát qua văn bản đối với 5 sở, 11 huyện, thị xã, thành phố. Sau giám sát, đơn vị gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo lộ trình, năm học 2024-2025 sẽ hoàn thành đổi mới toàn bộ chương trình SGK phổ thông. Quốc hội giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ đánh giá được đầy đủ, chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm khi thực hiện; từ đó có chỉ đạo định hướng tiếp tục đổi mới những năm tiếp theo.

GIA KHÁNH