Đón lũ thời COVID-19

17/09/2021 - 04:42

 - Theo vòng quay của tạo hóa, con nước lũ lại về với đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với những dấu hiệu về mùa lũ nhỏ đã khiến dân câu lưới thêm nỗi lo toan.

Dân câu lưới đang đợi chờ mùa lũ

Những cánh đồng xả lũ, nước vẫn chưa ngập quá bờ kênh

Ngóng lũ

Đứng tần ngần hồi lâu trên bờ kênh Vĩnh Tế với ánh mắt xa xăm, anh Nguyễn Văn Hùng (người dân xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chỉ biết thở dài: “Chắc năm nay nước nhỏ nữa rồi!”. Câu nói gọn lỏn của ngư dân - hơn 20 mùa nước sống cùng nghề câu lưới - chất chứa nhiều nỗi lo. Không lo sao được, khi đã sang tháng 8 (âm lịch) mà mực nước còn chưa ngập nổi bờ kênh. Câu nói “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” của ông bà xưa giờ trở thành dĩ vãng, khi “mẹ thiên nhiên” khác xưa quá nhiều!

“Mấy năm trước, nước có nhỏ cỡ nào thì giờ này cũng lé đé ngoài đồng xa rồi. Bây giờ, nhìn mút con mắt vẫn chưa thấy nước đâu. Kiểu này, dân câu lưới chắc phải tìm đường khác kiếm sống. Mỗi năm mấy tháng, tui nhờ con nước để tích lũy tiền bạc trang trải cuộc sống gia đình, rồi đón Tết. Năm nay tình hình coi bộ khó lắm! Dịch dã khó kiếm sống, giờ tới nước nhỏ thì dân câu lưới bỏ nghề hết cho coi!” - anh Hùng trải lòng.

Chỉ tay xuống chiếc vỏ lãi nằm gối đầu trên bến từ nhiều tháng nay, anh Hùng cho biết đã tranh thủ tu sửa, kiểm tra máy móc để sẵn sàng cho mùa cá mới. Nước chưa về, anh chỉ đánh bắt lòng vòng mấy đoạn kênh gần nhà. Sau giãn cách xã hội, nhiều người sống nghề “bà cậu” như anh Hùng đành xuống kênh Vĩnh Tế kiếm ít cá bán chợ để lo toan gia đình.

Khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, mùa khô, anh Hùng tranh thủ đi xịt lúa mướn, đủ ăn cho gia đình, chứ không tích lũy được gì. Dịch bệnh làm cuộc sống đảo lộn, anh Hùng phải nằm nhà mấy tháng qua, nên bí bách hơn. Hiện tại, nước lũ lên chậm đồng nghĩa với mùa cá còn ở đâu xa lắm. Vì vậy, những ngư dân như anh Hùng chỉ biết đợi chờ. “Muốn có nước chắc đợi khoảng 1 tháng nữa. Đây tới đó, tui đi giăng lưới kiếm sống cầm chừng. Hy vọng, mấy ngày tới nước lên để cá nhiều hơn, “bà cậu” “đãi” dân câu lưới. Nghe tình hình dịch bệnh ổn định nên tui mừng, vì đi kiếm cá được thì mình còn sống được!”- anh Hùng bộc bạch.

Cố gắng mưu sinh

Cũng là dân câu lưới, nhưng ông Đinh Văn Đỏ (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) có thêm nghề làm lọp cua. Cái nghề “ăn theo” lũ này giúp gia đình ông sống khỏe mấy chục năm nay. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng phần nào, khiến cuộc sống gia đình vất vả hơn thường lệ.

“Mấy năm trước, nhà tui làm lọp cua để bán cho khách, mỗi mùa hơn 1.000 cái. Tính ra, hết mùa nước cũng kiếm được hơn 20 triệu đồng, đời sống “căn bản” lắm. Năm nay, lọp vẫn làm mà không có người mua. Phần vì giãn cách xã hội, họ không đi được, phần vì nước nhỏ nên chẳng ai mua lọp làm gì. Ở xóm lọp cua, đâu chỉ mình tui gặp cảnh này. Đa phần bà con đều không bán được” - ông Đỏ thật tình.

Tuy nhiên, ông không ngại khó khăn, mà vẫn cố gắng mưu sinh. Hiện giờ, ông đi đặt lọp đồng, kiếm 5-7kg cua mỗi ngày, mang ra bán chợ. Nếu tiết kiệm, thu nhập đủ trang trải trong nhà. Ông Đỏ cho biết, chịu khó tìm việc để làm thì đời sống không tới mức đói khổ. Cua đồng ngày càng khan hiếm, nhưng giá bán cao, ông chịu khó lặn lội, miễn sao có đồng vô đồng ra. Những mùa lũ trước, ông lên mấy cánh đồng biên giới đặt cua với số lượng lớn cân cho thương lái nên nguồn thu khá.

“Hồi còn bán cua đồng lên TP. Hồ Chí Minh thì đời sống gia đình tui đỡ. Năm nay, chỉ mong đủ trang trải trong nhà. Tui còn kiếm sống được, chớ mấy anh em giăng lưới, đổ dớn thì khó hơn, vì nước thấp lắm. Mong sao, con nước lên cao, cua cá nhiều hơn, dân “bà cậu” có đường sống!” - ông Đỏ hy vọng.

Bên ấm trà trưa chan chát, người đàn ông trung niên vẫn chăm chú theo dõi tình hình dịch COVID-19 trên điện thoại di động. Có lẽ, điều ông Đỏ và bao nhiêu người dân mong mỏi nhất lúc này chính là dịch bệnh ổn định, cuộc sống trở lại bình thường để họ có thể mưu sinh. Họ rất tin tưởng những ngày “bình thường mới” sẽ quay trở lại, sớm thôi. Khi đó, ông hăng hái xuống xuồng, vượt con nước để tìm cá, cua như thuở trước.

THANH TIẾN