Đồng bào Chăm An Giang gắn kết cùng phát triển

25/01/2023 - 05:16

 - An Giang có nhiều nét đặc biệt ở ĐBSCL, bởi vừa có đồng bằng, vừa có núi, là tỉnh đầu nguồn, tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm, luôn gắn bó, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển.

An Giang có 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc đông dân số, gồm: Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 28 dân tộc, với hơn 119.219 người. Đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, đóng góp an sinh xã hội, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Tỉnh An Giang có 8 xóm Chăm, với tổng số 17.571 người. Đồng bào DTTS Chăm An Giang chủ yếu theo đạo Hồi giáo Islam, có nguồn gốc từ Saudi Arabia, sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường.

Người Chăm sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau theo từng xóm, mỗi xóm đều có thánh đường và có 1 vị giáo cả đứng đầu; tập trung theo các “xóm”, dọc theo sông Hậu và các nhánh lớn của sông Hậu, thuộc địa bàn các xã: Vĩnh Trường, Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú), xã Châu Phong (TX. Tân Châu), xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành)...

Đời sống văn hóa DTTS Chăm mang đặc điểm tôn giáo thông qua các lễ hội truyền thống, như: Tháng Ramadal (tháng nhịn ăn), Tết Haji, lễ Asura, lễ Tahplah, lễ Moulod... Ông Haji Jacky (Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang) cho biết, ban đại diện luôn vận động bà con tín đồ sinh sống và hành đạo theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phù hợp với tôn chỉ của giáo lý và lễ nghi tôn giáo. Đồng bào luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do MTTQ phát động, tăng cường giao lưu thắt chặt khối đại đoàn kết, huy động các nguồn lực chăm lo tốt công tác xã hội - từ thiện, cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ngày càng phát triển 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS Chăm ở An Giang không ngừng được nâng lên. Ở các làng Chăm, những ngôi nhà sàn được cất bằng gỗ với không gian nhà rộng rãi, tinh tế. Nhiều ngôi nhà tường xây mới khang trang trên những xã nông thôn mới. Con em đồng bào DTTS Chăm, có hơn 160 người du học nước ngoài; nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã tìm được việc làm và tham gia vào hệ thống chính trị, các hoạt động văn hóa - xã hội, các đoàn thể quần chúng cùng với người Kinh, Hoa, Khmer… chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp.

3 năm qua, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã huy động được gần 20 tỷ đồng thực hiện công tác xã hội - từ thiện. Các hoạt động luôn được duy trì và phát triển, thể hiện rõ đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, thiết thực chia sẻ khó khăn trong cuộc sống với bà con nghèo. Đặc biệt là các hoạt động chăm lo đời sống của bà con tín đồ, nhất là trong tháng lễ Ramadan được quan tâm thực hiện. Năm 2022, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể địa phương đẩy mạnh chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Đặc biệt, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hơn 6,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện, như: Sửa chữa, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, hỗ trợ học bổng cho sinh viên đại học, hỗ trợ dụng cụ học tập cho trẻ mồ côi và trẻ em nghèo, mua bảo hiểm y tế cho người già neo đơn, hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho hộ kinh doanh nhỏ, cấp phát quà vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì người nghèo…

Được sự hỗ trợ của UBMTTQVN tỉnh An Giang, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh đã thành lập mô hình phụ nữ Chăm, với 825 hội viên ở 5 xã (Khánh Hòa, Châu Phong, Đa Phước, Nhơn Hội, Quốc Thái) nhằm chăm lo cho chị em phụ nữ, “Tương thân tương ái” giúp vốn làm ăn để cùng nhau thoát nghèo. Bằng nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc, chức việc trong Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều thánh đường, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang tặng quà đại diện Ban Quản trị 4 thánh đường xã Châu Phong. Ảnh: TRUNG HIẾU

Điển hình là phong trào “Ngày thứ 6 xanh”.  Thứ 6 là ngày quan trọng của tín đồ Hồi giáo. Tất cả tín đồ nam giới từ trẻ em đến người già đều đi hành lễ tại thánh đường (trung bình mỗi thánh đường sẽ có khoảng 300 người hành lễ). Để hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, các vị giáo cả yêu cầu (và trở thành quy ước): Tất cả thánh đường (và tiểu thánh đường) phải được làm vệ sinh vào ngày thứ 6, những tín đồ ở gần không được đi phương tiện (xe máy) đến hành lễ, hạn chế tối đa việc sử dụng nước khi hành lễ, mỗi chỗ lấy nước hành lễ phải ghi dòng chữ “Không lãng phí nước”, khi hành lễ phải mở hết các cửa sổ, không mở đèn, không mở máy lạnh, không mở quạt, cấm hút thuốc khi vào thánh đường.

Bà con tín đồ còn thực hiện mô hình “Xả chay xanh” trong tháng lễ Ramadan, bằng cách: Đầu tư dĩa, chén có thể phân hủy và tái sử dụng hoặc yêu cầu các tín đồ tự mang từ nhà, mang theo ly và chai nước của riêng. Tất cả những nơi hành lễ đều bố trí các thùng để phân loại rác tại nguồn.

Mỗi thánh đường và mỗi nhà đều có ký kết với xe rác công cộng để lấy rác, tránh xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Phụ nữ Chăm còn có ý thức sử dụng giỏ nhựa, túi vải đi chợ để hạn chế sử dụng túi ny-lon… Ở mỗi trường dạy giáo lý, giáo luật, các thầy, cô giáo bên cạnh việc dạy học, cố gắng lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu cho học sinh.

“Nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và nhà nước mà cuộc sống đồng bào DTTS Chăm ngày càng tốt hơn. Hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế được xây dựng, đảm bảo chăm lo cho bà con. Nhà nước hỗ trợ vốn vay, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho nhiều đồng bào DTTS Chăm có việc làm, hướng dẫn làm ăn phát triển kinh tế gia đình”- chị Sity Hara (Ủy viên Trung ương MTTQVN, Phó Trưởng ban Từ thiện - Xã hội, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang) cho biết.

Việc gắn kết để khai thác du lịch ở các làng nghề, vùng đồng bào DTTS (trong đó có đồng bào Chăm) đang được tập trung phát triển. Những sản phẩm truyền thống, như: Thổ cẩm, xà-rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm, nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang, như: Tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri, cà púa, cơm nị, cơm bò… trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống giúp đồng bào DTTS Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường đoàn kết, gắn bó cùng cộng đồng các dân tộc.


HỮU HUYNH