Đóng góp vào công tác lập pháp

26/04/2024 - 06:42

 - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hàng loạt hội nghị lấy ý kiến sở, ban, ngành, địa phương và chuyên gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác lập pháp tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

9 dự thảo luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh khẳng định: “Thời gian qua, việc thu thập ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật chuẩn bị trình kỳ họp Quốc hội là một trong những nội dung quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội. Do đó, công tác này được Đoàn ĐBQH các địa phương, trong đó có tỉnh An Giang chú trọng tổ chức bằng nhiều hình thức. Đơn vị thu thập ý kiến từ nhiều thành phần, giai tầng trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình xây dựng luật của các cơ quan soạn thảo”.

Điển hình như dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (gồm 7 chương, 81 điều). Theo các đại biểu, đây là dự thảo luật vô cùng quan trọng, cần thiết đối với việc phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn vấn đề còn bất cập, nhằm đảm bảo tính khả thi của luật sau khi ban hành, liên quan đến khái niệm, phạm vi, đối tượng áp dụng; cơ chế, chính sách đảm bảo yêu cầu về xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực tự cường, hiện đại; sự cần thiết thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng an ninh; trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp…

Đại tá Nguyễn Lâm Đạt Thanh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bày tỏ: “Chúng ta phát triển lĩnh vực này hơi chậm, do nhiều yếu tố khách quan. Hiện giờ, để phát huy vấn đề tự lực, tự cường, chuẩn bị nguồn lực quốc phòng, tiềm lực quốc phòng, bắt buộc phải nghiên cứu sản xuất một số vũ khí trang bị phục vụ quốc phòng - an ninh. Luật được xây dựng sẽ giải quyết vấn đề này, phát huy trí tuệ, có điều kiện làm ra những sản phẩm phù hợp nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của Việt Nam”.

Một dự thảo luật nhận được nhiều quan tâm của đại biểu là Luật Đường bộ (8 chương, 89 điều), điều chỉnh quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ. Đa số đại biểu tán thành việc cần thiết ban hành luật, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta, trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo luật được đóng góp chi tiết về khái niệm từ ngữ, một số điều, khoản liên quan hệ thống giao thông thông minh, phân loại đường bộ theo phân cấp quản lý; lắp đặt báo hiệu đường bộ; quy định vận tải hành khách bằng xe ôtô; phân loại đường bộ theo cấp quản lý; việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ…

Luật gia Phan Ngọc Minh (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia tỉnh An Giang) đóng góp: “Theo dự thảo, “cơ quan quản lý đường bộ là tổ chức thuộc Bộ Giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã”. Giải thích từ ngữ thế này chưa phân định rõ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ.

Chúng tôi đề nghị sửa lại: Cơ quan quản lý đường bộ là tổ chức thuộc Bộ Giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện giúp UBND cấp tỉnh, huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ ở từng cấp; UBND cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về đường bộ ở cấp xã”.

Đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tưởng chừng như khá “xa vời” đối với các địa phương khác, vẫn có ý kiến đóng góp thiết thực, nhiều chiều. Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ: “Đây là đạo luật đa ngành, đa lĩnh vực. Dự thảo luật trình kỳ họp thứ 6 theo hướng liệt kê nội dung, lĩnh vực được điều chỉnh vừa không bao quát hết phạm vi điều chỉnh, vừa có sự trùng lắp. Vì vậy, để đảm bảo tính khái quát, toàn diện, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định vị trí, vai trò của thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô như Luật Thủ đô hiện hành”.

Hầu hết đại biểu tham gia đóng góp dự thảo luật đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ tài liệu. Nhiều nội dung chuyên sâu được đại biểu nghiên cứu thận trọng, tâm huyết, trách nhiệm trong mỗi ý kiến đóng góp, với mong muốn dự thảo luật khi thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

GIA KHÁNH