Luật Nhà giáo được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2025) gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Tại Điều 24 của Luật quy định về các chính sách hỗ trợ nhà giáo, gồm: chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường; chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Được hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Chế độ phụ cấp, trợ cấp theo đối tượng.
Luật còn quy định địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính của địa phương, cơ sở giáo dục.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ, Luật Nhà giáo 2025 cũng quy định chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo như: ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận; tiền lương, phụ cấp; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm; điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc; phúc lợi và chính sách khác theo quy định của pháp luật.