Trọn vẹn nghĩa tình với người có công

27/07/2025 - 15:37

Tháng Bảy về trong không khí tri ân lan tỏa khắp mọi miền đất nước, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chính sách, hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và các gia đình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp hòa bình, độc lập.

Chú thích ảnh

Đoàn viên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long tối 26/7. 

Nghĩa tình tháng 7

Xác định chăm lo gia đình chính sách là trách nhiệm và là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm như: Xây mới, sửa chữa nhà ở; chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân liệt sĩ. Dịp cuối tháng 7, tuổi trẻ Vĩnh Long tổ chức các hoạt động, dọn vệ sinh, chỉnh trang nghĩa trang và thắp nến tri ân. Năm nay, lễ thắp nến được tổ chức đồng loạt ở tất cả các nghĩa trang và nhà bia ghi danh liệt sĩ trên toàn tỉnh, tạo nên không khí thiêng liêng, thể hiện lòng biết ơn và là nguồn động viên với thân nhân liệt sĩ.

Ông Văn Công Hậu (thân nhân liệt sĩ, phường Tân Ngãi) xúc động chia sẻ: “Hôm nay, chúng tôi đến đây và cảm nhận được tình cảm của chính quyền địa phương, của tuổi trẻ tỉnh nhà. Những nén hương thắp lên đầy chân tình thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những liệt sĩ đã nằm lại nơi đây. Là con của liệt sĩ, tôi xúc động và tự hào khi cha mình đã góp phần cho hòa bình, độc lập và được thế hệ sau trân trọng, biết ơn. Tôi sẽ tiếp tục noi gương cha và các thế hệ đi trước, sống có trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến”.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã huy động mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng. Đến nay, các địa phương trong tỉnh cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, góp phần bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của các gia đình đã cống hiến cho đất nước. Những ngôi nhà mới khang trang được bàn giao không chỉ là chỗ ở kiên cố mà còn là động lực để các gia đình an tâm ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Trần Văn Cum (thương binh, ngụ xã Song Phú) phấn khởi chia sẻ: “Là thương binh, sức khỏe có phần hạn chế nhưng tôi vẫn cố gắng làm ăn, xây dựng được căn nhà. Giờ được địa phương hỗ trợ sửa chữa, tôi rất mừng và xúc động. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp cho xã hội”.

Chú thích ảnh

Tỉnh đoàn Vĩnh Long thăm và tặng quà Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Ngượt, xã Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. 

Tỉnh Vĩnh Long đang quản lý 267.693 hồ sơ người có công với cách mạng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Hàng tháng, tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp cho 33.045 đối tượng người có công và thân nhân người có công, với tổng kinh phí là 98,047 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 1.800 căn nhà cho người có công và thân nhân liệt sĩ, đạt gần 94%. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đảm bảo cảnh quan trang nghiêm. Trong năm 2025, tỉnh đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để trùng tu hai nghĩa trang cấp tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã phối hợp thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Việc chăm lo đời sống, đảm bảo an cư cho gia đình chính sách là cách tỉnh Vĩnh Long tri ân những người đã hy sinh, cống hiến cho đất nước, đồng thời là mục tiêu an sinh quan trọng, giúp người có công ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng địa phương.

Tiếp nối đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tại tỉnh Vĩnh Long lan tỏa sâu rộng, trở thành hành trình giàu ý nghĩa. Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, tuổi trẻ luôn trân trọng, biết ơn những người đã hy sinh, đóng góp cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thể hiện lòng tri ân, đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, tiếp lửa truyền thống như: Thăm, tặng quà gia đình chính sách, nấu bữa cơm yêu thương, tuyên truyền truyền thống cách mạng…

Đã thành thông lệ, chương trình “Bữa cơm tri ân” mang đến không khí sum vầy, ấm áp cho gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy (92 tuổi, xã Song Phú, tỉnh Vĩnh Long). Dịp 27/7, mẹ Bảy ngồi kể cho thế hệ hôm nay nghe về những năm tháng hào hùng với sự nhớ thương xen lẫn niềm tự hào về người chồng và người con đã hy sinh để giành lấy độc lập cho quê hương, đất nước.

Chú thích ảnh

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cùng gia đình Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy, xã Song Phú, tỉnh Vĩnh Long nấu bữa cơm tri ân nhân dịp 27/7.

Bên mâm cơm sum vầy, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy vui vẻ hát bài ca hòa bình, thể hiện khát vọng giản dị của tuổi già là được sống yên vui bên con cháu. Quây quần bên mẹ, các bạn trẻ lắng đọng cảm xúc, thấy mình thật nhỏ bé trước người mẹ đã trải qua biết bao hy sinh, mất mát nhưng vẫn kiên cường, giàu nghị lực. Từ đó, thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, bồi đắp trách nhiệm và trân quý cuộc sống hôm nay.

Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Trần Trí Cường cho biết, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tuổi trẻ Vĩnh Long đã tích cực thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước cho thanh thiếu nhi. Những phần việc, công trình dù còn khiêm tốn nhưng đã góp phần xoa dịu nỗi đau, sẻ chia mất mát với các gia đình liệt sĩ, thương binh, tiếp thêm nghị lực để họ vươn lên. Các hoạt động của tuổi trẻ không chỉ thể hiện tinh thần tri ân mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ sống nghĩa tình, nhân ái, biết trân trọng quá khứ, vững vàng hiện tại, tự tin bước vào tương lai. Tiếp nối truyền thống cách mạng, tuổi trẻ toàn tỉnh quyết tâm thi đua học tập, lao động, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong xây dựng quê hương giàu đẹp, hội nhập và sẵn sàng góp sức bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 27/7 hằng năm không chỉ là dịp tưởng nhớ những người đã hy sinh xương máu, mà còn là dịp để tri ân những người đã trở về sau chiến tranh với những vết thương in hằn trên thân thể và ký ức. Với ý nghĩa đó, hằng năm, cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trang trọng, thể hiện sự tri ân sâu sắc và lan tỏa nghĩa tình với người có công. Dịp 27/7 năm nay, tỉnh đã tổ chức trao 66.266 phần quà của Chủ tịch nước và 29.388 phần quà từ nguồn kinh phí địa phương cho người có công và thân nhân. Tỉnh cũng đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực xã hội chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Ngô Chí Cường cho biết, tỉnh luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, đồng thời huy động toàn xã hội chung tay chăm lo đời sống người có công, giúp họ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Những việc làm thiết thực ấy không chỉ là sự tri ân quá khứ mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ sống nghĩa tình, tiếp nối truyền thống cách mạng.

Đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình người có công tại tỉnh Vĩnh Long nhân dịp 27/7, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân mãi ghi nhớ công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với đất nước. Ông bày tỏ vui mừng khi người có công, gia đình chính sách trên địa bàn được địa phương quan tâm, chăm lo chu đáo.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, chăm lo người có công là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở Vĩnh Long cần tiếp tục quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu trong đời sống, tích cực giáo dục con cháu thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Theo LÊ THÚY HẰNG  (TTXVN)