Đông Nam Á nỗ lực trở lại trạng thái 'bình thường mới'

12/10/2021 - 18:13

Sau gần 2 năm ứng phó với COVID-19, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm sống chung an toàn với dịch bệnh, từ đó dần dần mở cửa trở lại nền kinh tế và đưa cuộc sống từng bước ổn định ở trạng thái "bình thường mới".

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc khu vực Đông Nam Á "tăng tốc" chiến dịch tiêm chủng vaccine là tiền đề quan trọng để các nước thúc đẩy chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19.

Indonesia vừa cán mốc tiêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trở thành quốc gia đứng thứ năm thế giới về tổng số liều vaccine đã được tiêm. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Indonesia đã giảm khoảng gần 30 lần, hiện trung bình 1.700 ca mới/ngày. Với nhận định rằng COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022, chính phủ nước này đã xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu, chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. 

Theo lộ trình này, vào ngày 14/10, các cửa khẩu hàng không quốc tế của Indonesia sẽ mở lại đón du khách từ 18 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và New Zealand. Khi 70% dân số tiêm đủ 2 liều, biên giới sẽ được mở hơn nữa. Để hoàn thành mục tiêu này, quốc gia Vạn đảo sẽ hoàn tất tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trước lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Trước mắt, Indonesia có kế hoạch mở cửa thí điểm đảo du lịch Bali cho du khách nước ngoài từ giữa tháng này. Thời gian cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh Indonesia sẽ được rút ngắn từ 8 ngày xuống còn 5 ngày. Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan, người phụ trách phản ứng phòng dịch COVID-19 của chính phủ, nhấn mạnh:

“Chúng tôi không quá vội vàng trong việc mở cửa với tất cả các du khách nước ngoài mặc dù đang nỗ lực tái khởi động hoạt động kinh tế”. Indonesia cùng Thái Lan và Philippines đã tham gia chương trình "Tem du lịch an toàn" của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhằm hỗ trợ du khách nhận biết các điểm đến đã áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu về sức khỏe và vệ sinh.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vừa công bố kế hoạch mở cửa trở lại để đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 đến nước này bằng đường hàng không từ các quốc gia được coi là có nguy cơ thấp từ ngày 1/11. Thái Lan cũng thông báo mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch, gồm Bangkok, Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taengvà Doi Tao), Prachuap Khiri Khan (huyện Hua Hin), Phetchaburi (huyện Cha-am) và Chon Buri (các huyện Pattaya, Bang Lamung và Sattahip) cho du khách từ đầu tháng 11 với điều kiện cho tới thời điểm đó tại những khu vực này không có ổ dịch COVID-19 lớn nào. Kế hoạch này được triển khai theo mô hình "Hộp cát Phuket" thực hiện từ tháng 7 và đã mang về 2,33 tỷ baht (68,83 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth trước đó từng cam kết tái mở cửa đất nước ngay trong tháng 10 và tuyên bố đẩy nhanh chiến dịch triển khai vaccine để đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng. Đến nay, 48% người dân Thái Lan đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 30% đã tiêm đủ hai liều.

Các địa phương của Malaysia đã mở cửa trở lại từ ngày 11/10 trong nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới, theo đó những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 được đi lại tự do trên khắp đất nước tùy theo nhu cầu cá nhân, trên cơ sở tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn về y tế và đảm bảo an toàn sức khỏe vì bản thân và cộng đồng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, người dân Malaysia được tự do đi lại giữa các tỉnh trong nước. Biện pháp này được thực hiện sau khi Malaysia đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số ở độ tuổi trưởng thành vào ngày 10/10.

Đầu tháng này, khoảng 143.000 học sinh trên toàn quốc, ngoại trừ 2 bang là Kedah và Johor, cũng đã quay trở lại trường học sau khoảng 6 tháng gián đoạn học tập hoặc học trực tuyến do tác động của đại dịch. Hiện 70,4% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.  

Các cơ sở kinh doanh ở địa điểm du lịch lớn nhất Malaysia cũng rục rịch chào đón các du khách trở lại. Langkawi, quần đảo bao gồm 99 hòn đảo ở Eo biển Malacca, đã mở cửa trở lại đối với các du khách đã tiêm đủ vaccine, trong chương trình “du lịch bong bóng” nội địa, với các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn việc lây lan virus. Malaysia dự định mở cửa biên giới đón khách du lịch nước ngoài sau khi nước này chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh địa phương.

Philippines cũng đang dần mở cửa thủ đô. Bộ Y tế Philippines cho biết các nhà hàng và dịch vụ chăm sóc cá nhân ở vùng đô thị Manila được phép tăng gấp đôi công suất hoạt động, lên mức 20%. Các phòng tập gym cũng được nối lại hoạt động, nhưng chỉ mở cửa cho những khách hàng đã được tiêm chủng ngừa đầy đủ. Các động thái nới hạn chế và mở cửa bắt đầu được thực hiện trong bối cảnh Philippines nỗ lực phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo theo cấp độ và phong tỏa quy mô nhỏ được áp dụng từ 16/9 vẫn sẽ được duy trì đến ngày 15/10, giúp các hoạt động diễn ra linh hoạt hơn và thêm nhiều doanh nghiệp tái mở cửa.

Để chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế, Philippines đang xem xét khả năng áp dụng mô hình "Hộp cát Phuket", đẩy nhanh việc tiêm chủng cho lao động ngành du lịch và giảm bớt các hạn chế đi lại. Tính đến ngày 14/9, Philippines đã cấp "Tem du lịch an toàn" cho 3 điểm đến và hơn 200 cơ sở lưu trú.

Thứ trưởng Du lịch Philippines Verna Buensuceso cho biết nước này đang xây dựng các hành lang du lịch tại châu Á, ví dụ như "làn đường xanh" với Hàn Quốc, Nhật Bản đưa khách bay thẳng tới các điểm đến ở Philippines. Những chuyến bay charter chở khách du lịch sẽ được áp dụng các quy trình chuyên biệt. Philippines cũng đang nghiên cứu khả năng tích hợp các loại giấy thông hành COVID-19 phổ biến hiện nay như Thẻ IATA hay Chứng nhận tiêm phòng COVID-19 của Liên minh châu Âu.

Do số ca mắc mới có xu hướng gia tăng, Singapore đang thay đổi quy định phòng chống dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu người dân chuẩn bị tâm thế và thực hiện theo các yêu cầu mới. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore sẽ mất từ 3-6 tháng để đạt được tình trạng "bình thường mới”. Trong thời gian chờ đợi này, Singapore vẫn sẽ mở cửa hàng không cho các du khách tiêm đủ liều từ 9 quốc gia gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19/10 tới đây.  Bộ trưởng Giao thông S. Iswaran nhấn mạnh“Toàn bộ các nước trên đều đã mở cửa cho công dân Singapore". Khách quốc tế đến từ nhóm nước trên cần phải trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước giờ lên máy bay và sẽ không phải cách ly khi tới nước này. Trước đó, Singapore đã khôi phục hoạt động đi lại không cần cách ly với Hàn Quốc, Đức và Brunei, cũng như Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ Hongkong, Đài Loan và Macau.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Với số ca mắc mới COVID-19 duy trì ở mức thấp kể từ đầu tháng 10, Campuchia đang hy vọng có thể mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội trong tháng này. Campuchia cũng đang hướng tới việc mở lại biên giới cho các du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ vào tháng 11 tới. Campuchia cũng đang cân nhắc giảm bớt hoặc bỏ hoàn toàn chính sách cách ly 14 ngày đối với khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ. 

Việt Nam đang áp dụng chính sách linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời thúc đẩy tiêm chủng đại trà để sớm trở lại trạng thái "bình thường mới". Lộ trình mở cửa đang được tính toán kỹ lưỡng dựa trên tình hình kiểm soát dịch COVID-19 và sự chuẩn bị của từng địa phương, theo phương châm "an toàn đến đâu mở cửa đến đó". Riêng với ngành du lịch, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục trở lại du lịch bằng việc phát động du lịch Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”; chuẩn bị thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang) vào tháng 11 tới.

Có thể nói, các nước Đông Nam Á đều đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình khá thận trọng, trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến khó lường tại nhiều khu vực. Đây là kết quả của việc điều chỉnh chính sách chống dịch từ "Zero COVID" sang thích ứng linh hoạt, tìm cách kiểm soát các ổ dịch song song với mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế và đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới".

Theo THANH BÌNH (TTXVN)