Phải vượt đoạn đường ngoằn nghèo và những con dốc cao đến “nín thở” bằng xe gắn máy mới có thể lên những khu vườn trên núi Dài. Đó là cách nhanh nhất, phù hợp cho những người thích cảm giác hồi hộp và mạo hiểm. Giải pháp còn lại là đi bộ, vừa tham quan cảnh đẹp, vừa thử thách sức dẻo dai bản thân và do không phải lúc nào cũng có xe để lên núi.
“Tài xế” đồng thời là các chủ vườn, phải liên hệ trước và chỉ ưu tiên đoàn nhiều người. “Nếu làm dịch vụ chở khách giống các điểm du lịch thì tiền công đưa rước không đủ tiền xăng, vì đưa khách lên còn phải đợi chở khách xuống núi. Thay vào đó, chúng tôi đi làm vườn sẽ chất lượng hơn. Nếu tiện đường, bà con sẵn sàng cho người lên núi quá giang một đoạn miễn phí” - chị Phương (hộ dân sản xuất trên núi Dài) cho biết.
Ngày thường cũng như cuối tuần, khách đến thăm núi Dài ổn định ở con số vài chục người, chủ yếu là các đoàn đến tìm hiểu, khám phá, những bạn trẻ thích “check-in” mới lạ. Dọc đường lên núi, có thể bắt gặp nhiều loại cây ăn trái, như: Bưởi, cam, bơ, chuối, sầu riêng… lủng lẳng.
Bên cạnh những cây đang vào mùa là các cây con vừa được xuống giống, cho thấy cây ăn trái đã bén rễ thuận lợi và được cư dân nhân rộng. Xen giữa rừng, các mảnh vườn canh tác nổi bật bởi hàng lối và trụ xi-măng chứa nước lạ mắt. Sản xuất “thuận thiên” là một mặt, dân bản địa còn tranh thủ trữ nước, dẫn nước từ các suối để phục vụ cây trồng tốt hơn.
Du khách tận hưởng không gian và thưởng thức trái cây vườn giữa rừng núi
Dẫn đoàn tham quan, ông Trần Văn Mì đứng ở một góc, phóng tầm mắt ra xung quanh tỏ vẻ tâm đắc: “Khoảng 10 năm trước, trên ngọn núi này chỉ thấy đất với đá. Vậy mà bây giờ được phủ xanh bởi đủ loại cây trồng, cây nào cũng um tùm vượt lên đá mà đơm hoa kết trái. Thu nhập của cư dân trên núi thời gian gần đây thay đổi đáng kể, phát triển được nhiều cây ăn trái cho giá trị rất cao, nhiều nhất là sầu riêng, bơ và tiếp tục thử nghiệm nhiều loại cây mới”.
Những chuyến tham quan thêm phần thú vị khi được ghé qua quán cà-phê trên núi, thưởng thức đặc sản ngay tại vườn. Chị Đào Thị Phượng mở quán cà-phê Sun Flower từ đầu năm 2022, khá mới mẻ nhưng vẫn có lượng “khách ruột” nhất định. Quán thiết kế ở nơi cao ráo và góc nhìn mở, vị trí nào cũng có thể quan sát bao quát cảnh núi với gió lộng mát mẻ, vườn cây ăn trái rì rào ngày đêm. Thấp thoáng giữa những tán cây xanh um là mấy ngôi nhà nổi bật với mái lắp pin điện năng lượng mặt trời. Xung quanh quán, chị Phượng chăm chút từng góc nhỏ để điểm tô thêm hoa xen với cỏ dại một cách tự nhiên, hài hòa.
Ngoài những món giải khát quen thuộc, quán cà-phê phục vụ một số món “đặc sản” trên núi, như: Sầu riêng dầm, bơ dầm hoặc sinh tố, cua núi chế biến. Khách tham quan còn được vào thăm vườn, thưởng thức sầu riêng tại chỗ và mua đem về. Sầu riêng núi Dài (chủ yếu giống Ri 6 và Monthong) được khách nhận xét thịt ráo khô, dày, béo, ngọt đậm đà, thơm nức mũi… Giá sầu riêng núi dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg vẫn luôn “cháy hàng”. Còn bơ núi cũng được chọn lựa những giống vỏ mỏng, thịt dày, dẻo, béo… để trồng. Nhờ được nhiều người giới thiệu, trái cây vườn thêm giá trị, ưu tiên chọn mua làm quà bởi sạch, chất lượng và vị ngon đặc biệt.
Cách vườn của chị Phượng không xa là vườn nho và bơ của anh Đào Văn Phương, vừa trồng để bán, vừa phục vụ người dân đến tham quan. Khó tin khi tận mắt nhìn những chùm nho trĩu quả và đa dạng chủng loại, từ nho móng tay, nho kẹo đến nho mẫu đơn, nho hạ đen, nho hồng ngọc… có vị ngọt thanh, giòn, thịt chắc. Trồng thử nghiệm từ năm 2021, anh Phương thu hoạch năm nay là vụ thứ 2, thấy tín hiệu khả quan, nên tiếp tục mở rộng vườn. Cảnh quan giữa núi góp phần cho khách đến “check-in” với những góc ảnh hấp dẫn, độc đáo.
Chị Phượng cho biết, quán cà-phê mở giữa rừng núi, kết nối với vườn cây ăn trái của ba mẹ, vườn nho của anh trai để đảm bảo phục vụ cho khách nhiều món và trải nghiệm. Trước đây, khách đến chủ yếu dịp cuối tuần, còn hiện nay, ngày thường khá xôm tụ, từ 20-30 người/ngày, cao điểm thứ 7 và chủ nhật có thể hơn 50 người. Ngoài ra, chị Phượng có phục vụ cho khách quen ngủ lều qua đêm, vị trí thoáng đãng và cao ráo, mỗi sáng có thể ngắm mây bồng bềnh hay buổi chiều thả hồn theo vẻ đẹp trong trẻo của hoàng hôn.
Là một trong số khách lên núi tham quan, chị Huỳnh Thị Cúc cảm nhận: “Không gian yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên, đem lại cảm giác thật yên bình, dễ chịu. Cây trồng được xen canh một cách khéo léo, tận dụng mọi khoảng không, tranh với đất đá cũng có thể gieo thêm các loại rau cải, bầu, bí… tăng nguồn thực phẩm tại chỗ”. Hộ dân trên núi sống thưa thớt, nhưng tìm các món ăn ngon không khó. Bên cạnh rau rừng, gà nuôi thả vườn chắc khỏe, còn có su, chuối, các món bò, cá khô... Không khí mát mẻ trên núi và những dịch vụ đặc thù khiến những khu vườn ngày càng có sức hấp dẫn.
Ý tưởng khi quyết định mở dịch vụ trên núi Dài được chị Phượng ấp ủ từ nhiều năm và hiện thực hóa sau thời gian nỗ lực đi làm, học hỏi kinh nghiệm. Sắp tới, chị Phượng tiếp tục nâng chất các dịch vụ, trồng thêm một số loại cây ăn trái để đáp ứng nhu cầu đến thăm vườn, hòa mình với thiên nhiên của du khách quanh năm.
MỸ HẠNH