Du ngoạn An Giang

20/01/2023 - 11:57

 - Là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực đa dạng, văn hóa phong phú, An Giang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặt chân đến An Giang, du khách sẽ trải nghiệm, khám phá những địa điểm đẹp và thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn, với sự chào đón nhiệt thành, cởi mở của những nông dân mến khách vùng sông nước miền Tây…

Hòa mình với thiên nhiên

Nếu có dịp đến An Giang, du khách hãy khám phá cảnh sinh hoạt, buôn bán của người dân ở chợ nổi Long Xuyên vào buổi sáng sớm. Chợ trên sông này chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Ngoài ra, đừng quên thưởng thức một bữa sáng trên ghe, xuồng của người dân, với các món ngon dân dã, như: Bún riêu, bún cá, bánh tằm hay nhâm nhi một ly cà-phê, trà đường, sữa nóng…

Từ chợ nổi, mất khoảng 15 phút để đến cù lao Ông Hổ - một địa danh lịch sử nổi tiếng thuộc xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên). Đến đây, du khách tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, du khách có thể men theo những con đường quê thưởng ngoạn không khí thanh bình, trong lành, để tự khám phá chợ nông thôn cũng như tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

“Đến đây, ngoài được viếng đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, tôi và gia đình được khám phá văn hóa, thưởng thức những món ăn ngon, đặc biệt còn được người dân địa phương chào đón rất nhiệt tình và thân thiện. Chúng tôi sẽ trở lại vùng đất hiền hòa, mến khách này vào thời gian gần nhất, để được trải nghiệm nhiều hơn” - anh Cao Thanh Tiến (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Cùng với đó, An Giang còn được biết đến với những vườn trái cây xanh ngát, trĩu quả và những công trình kiến trúc cổ độc đáo, tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến cù lao Giêng (huyện Chợ Mới). Nơi đây không chỉ yên bình, cảnh đẹp hữu tình của miền sông nước, mà còn có rất nhiều công trình kiến trúc xưa đặc sắc.

“So với những nơi tôi đã đến, chẳng nơi nào có được quần thể kiến trúc cổ được bảo tồn nguyên vẹn như cù lao Giêng. Từ nhà thờ cù lao Giêng, tu viện Phanxicô, cho đến Thành Hoa tự, chùa Phước Thành hay dinh “Ba Quan Thượng đẳng” đều có kiến trúc độc đáo và mang những giá trị văn hóa lịch sử rất riêng. Mọi người còn được hòa mình với thiên nhiên, tham quan các vườn cây ăn trái và thưởng thức các món đặc sản vùng sông nước”- anh Nguyễn Thanh Phú (ngụ tỉnh Đồng Nai) chia sẻ.

Du khách khám phá rừng tràm Trà Sư

Nói đến du lịch (DL) sinh thái, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư đẹp hút hồn và đầy thú vị. Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) là nơi thu hút rất đông khách DL, nhất là khách quốc tế. Vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư khoác lên mình một màu xanh thẫm của phía trên là tràm, phía dưới là những cánh bèo tây giăng kín mặt nước, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Đến đây, du khách ngoài thưởng ngoạn cảnh quan đẹp mắt, còn có dịp hòa mình vào không gian thiên nhiên rợp bóng cây, rất dễ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu... và dừng thuyền để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng, chụp ảnh kỷ niệm, ghi dấu những khoảnh khắc bình dị của thiên nhiên...

Khám phá vùng đất thiêng

DL trải nghiệm, Caravan hay DL sinh thái, DL cộng đồng tại An Giang rất có tiềm năng phát triển. Ngoài ra, nhiều địa điểm DL mới nổi ở huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên đang dần trở thành điểm đến mới thú vị cho du khách.

Đặt chân đến An Giang, du khách sẽ không thể không nhắc đến Khu DL quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc). Núi Sam không chỉ thu hút du khách với phong cảnh tuyệt đẹp, mà còn là điểm DL tâm linh nổi tiếng trong cả nước.

Đường lên đỉnh núi Sam như một bức tranh phong thủy. Càng lên cao thì vùng đất An Giang trù phú càng hiện rõ trong tầm mắt. Đặc biệt, quanh chân núi còn có quần thể di tích lịch sử - văn hóa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, gắn với sự tích huyền bí từ thời khẩn hoang mở cõi vùng đất An Giang, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang…

Rời TP. Châu Đốc, du khách đến vùng Thất Sơn huyền bí, với những ngọn núi lớn, nhỏ giữa đồng bằng châu thổ, tạo nên bức tranh thiên nhiên hữu tình. Trong đó, Thiên Cấm Sơn còn gọi là núi Cấm, thuộc xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) cao 716m so mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất, gắn liền với những tín ngưỡng dân gian, các câu chuyện huyền thoại về các bậc tu tiên, các loài thú dữ biết nghe kinh dưỡng tánh bảo vệ người hiền, sự tích về thuở cha ông đi khẩn hoang, mở cõi...

Vẻ đẹp huyền bí của Thiên Cấm Sơn

Từ chân núi Cấm, du khách có thể lựa chọn nhiều cách di chuyển lên đỉnh núi. Mỗi cách đều có cái hay riêng, nếu đi bằng cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của núi rừng từ trên cao; còn nếu muốn vận động, có thể cùng bạn bè leo núi bằng con đường mòn.

Khi leo núi, sẽ thưởng ngoạn cảnh núi rừng, ghé suối Thanh Long hòa vào dòng nước mát lạnh và tìm hiểu về đời sống của người dân. Ngoài ra, du khách có thể đi xe khách lữ hành hoặc “xe ôm”. Đến đây, sẽ được tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thăm viếng các chùa, thưởng thức vị ngọt của trái cây miền núi và nhất là món bánh xèo với hàng chục loại rau rừng.

Đoàn Caravan trải nghiệm cung đường du lịch An Giang

Trên núi có một hồ chứa nước thiên nhiên gọi là hồ Thủy Liêm. Với khí lạnh từ hồ và đá núi tạo ra, nên nơi đây lúc nào cũng có khí hậu mát mẻ. Đứng ở bất kỳ vị trí nào trên Thiên Cấm Sơn, du khách cũng thấy được tượng Phật Di Lặc ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát. Tượng Phật Di Lặc cùng chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn hợp thành 3 quần thể kiến trúc soi bóng xuống mặt nước hồ Thủy Liêm, tạo thành bức tranh độc đáo.

“Vào những ngày sương hay nhiều mây, đặc biệt vào buổi sáng sớm, khi ánh bình minh vừa lên, mây mù, sương rơi nhiều, tạo cho chúng ta cảm giác như là chốn bồng lai tiên cảnh. Khung cảnh bóng chiều tà nơi đây còn đẹp hơn nữa, khiến lòng người đến đây sẽ cảm thấy thật nhẹ nhàng và bình yên …” - bạn Lý Hoàng Hà (huyện Châu Thành, người đã nhiều lần lên đỉnh núi Cấm) chia sẻ.

DL tâm linh không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới, mà còn chứa đựng những giá trị, trải nghiệm tinh thần hết sức thiêng liêng. Bên cạnh đó, DL tâm linh cũng là hình thức góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

TRUNG HIẾU