Du xuân trên Cù lao Giêng

12/01/2018 - 01:06

 - Cù lao Giêng trải dài 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (Chợ Mới) nổi lên như một “hòn đảo xanh” giữa dòng sông Tiền hiền hòa. Ngoài cảnh quan thiên nhiên đầy sức quyến rũ, với những vườn trái cây xanh ngát, trĩu quả, nơi đây còn có những công trình kiến trúc cổ độc đáo, tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách mỗi đặt chân đến đây...

Qua cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ là đến Cù lao Giêng thơ mộng. Với màu xanh mát của những vườn cây trái tươi tốt và thấp thoáng những công trình kiến trúc cổ đặc sắc, tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên đẹp mắt.

Nơi đây không chỉ đẹp bởi sự yên bình, cảnh đẹp hữu tình của sông nước, đời sống người dân trù phú nhờ những vườn cây ăn trái, mà còn có rất nhiều công trình di tích, kiến trúc tín ngưỡng tâm linh đặc sắc. Nổi bật nhất trong đó là những kiến trúc tôn giáo đặc trưng trong thời kỳ Pháp thuộc, mà tiêu biểu nhất là nhà thờ Cù lao Giêng. Đây là ngôi thánh đường đầu tiên tại xứ Nam Kỳ. 

Ngôi thánh đường mang lối kiến trúc Pháp, được gìn giữ cẩn thận đến nay gần như nguyên vẹn. Tháp chuông chót vót, các trụ cột được thiết kế liên hoàn, kết hợp các ô gió và tháp nhỏ với lối kiến trúc phương Tây độc đáo, tạo nét đặc trưng tuyệt đẹp, khiến ai đến đây cũng phải trầm trồ khen ngợi.

Cách nhà thờ Cù lao Giêng không xa là một công trình kiến trúc cổ không kém phần độc đáo. Đó là Tu viện Phanxicô, còn được gọi là nhà thờ Thánh Tâm. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1876, kiểu vòm nhọn, thành tường trang trí khá đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng, trang nhã.

Bên cạnh đó là Tu viện Chúa Quan Phòng, được xây dựng vào năm 1872 theo kiến trúc phương Tây, tường đá nhiều cửa sổ nên rất thông thoáng, mát mẻ và tĩnh lặng. Đây là nơi đào tạo các nữ tu, nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi, người già neo đơn và là nơi hưu dưỡng cho các nữ tu.

 Đến nay, các nhà thờ và tu viện nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn, tạo thành một quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo có một không hai. “So với những nơi tôi đã đến, chẳng nơi nào có được quần thể kiến trúc cổ được bảo tồn nguyên vẹn như xứ Cù lao Giêng”- du khách Nguyễn Hà Phong (TP. Hồ Chí Minh) đã khẳng định như thế khi lần đầu tham quan nơi đây.

Cùng với những kiến trúc cổ của thánh đường từ thời Pháp thuộc, những ngôi chùa ở Cù lao Giêng thu hút rất đông khách thập phương tìm đến vãn cảnh, cúng viếng mỗi ngày. Một điểm tham quan mà bạn không nên bỏ qua khi đến với Cù lao Giêng là Thành Hoa tự (còn gọi là chùa Đạo Nằm), ngôi chùa với lối kiến trúc sinh động, trên tường có chạm nổi hoa văn đặc sắc, được xây dựng năm 1953. Đặc biệt, tháp mộ của tôn sư với kiến trúc nổi bật sắc màu của Phật giáo. Bình lặng hơn trong không gian chùa chiền có chùa Phước Thành, dân trong vùng hay gọi là chùa Chim. 

Chùa Phước Thành hiện đang là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn rất nhiều du khách. Ngôi chùa nổi bật với tượng Phật A Di Đà cao 39m và 48 vị Bồ tát Thánh chúng nằm dọc ngay giữa con đường nhỏ vào chùa. Chùa Phước Thành vừa chính thức được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam với công trình quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng (mỗi tượng cao 5m) lớn nhất.

Trong số những di tích ở Cù lao Giêng, có một khu mộ độc đáo gồm 3 phần mộ liền kề, với lối xây dựng lạ mắt trong kiến trúc lăng mộ. 3 ngôi mộ có hình dáng độc đáo mô phỏng 3 loài thủy sản là: cá, rùa và mực. Đây được gọi là lăng mộ “3 quan thượng đẳng” - 3 anh em người Cù lao Giêng, được mời ra kinh thành Huế phong chức vụ theo đường binh nghiệp, rất có công với triều đình nhà Nguyễn, được vua Gia Long phong chức Ngọc Hầu sau khi hy sinh ngoài chiến trận.

Bên cạnh các công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, lịch sử, khi đến Cù lao Giêng, du khách không thể bỏ qua du lịch miệt vườn sông nước, du lịch cộng đồng. Ngoài việc được tham qua vườn trái cây xum xê, trĩu quả, thưởng thức những món ăn dân dã miệt vườn, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử món dưa xoài, dưa cóc, một đặc sản của người dân xứ cù lao…

Để xây dựng Cù lao Giêng thành điểm du lịch thu hút khách, chính quyền địa phương đã chung tay hỗ trợ người dân phát triển cơ sở hạ tầng, nâng chất dịch vụ, chỉnh trang nhà vườn, xây dựng những mô hình vườn sinh thái, thiết kế cảnh quan, xây dựng điểm đến tại các làng nghề truyền thống… nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Tổ trưởng Tổ quản lý du lịch 3 xã Cù lao Giêng Trần Đức Anh cho biết: năm 2017, Cù lao Giêng đón trên 52.580 lượt khách đến tham quan du lịch (tăng 200% so cùng kỳ), trong đó có trên 1.450 lượt khách quốc tế.

 

KHÁNH MY