Đưa nghệ thuật tuồng đến với giới trẻ

15/11/2021 - 07:59

Sở hữu phương pháp biểu diễn theo lối cách điệu, ước lệ, tượng trưng ở mức độ cao cùng các quy định, lề lối chặt chẽ trong cách diễn, hát, múa, phục trang, đạo cụ…, tuồng là bộ môn nghệ thuật mang tính mẫu mực, độc đáo song cũng là loại hình "kén" người xem nhất của sân khấu dân tộc. Nhằm mở ra cơ hội đưa tuồng tiếp cận công chúng hiện đại, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình "Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ".

Biểu diễn trích đoạn "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" tại buổi báo cáo chương trình Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ.

Tại buổi báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chương trình "Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ" vừa qua, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thể hiện các trích đoạn đặc sắc: "Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Trần Quốc Toản ra quân", "Ôn Đình chém tá". Đây là bốn phần biểu diễn nằm trong hệ thống các tiết mục đã và đang được nhà hát dày công chuẩn bị để mang đến các trường học, khơi lên tình yêu tuồng cho những người trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều thú vị là không chỉ diễn, chương trình còn mang đến những nội dung giới thiệu hấp dẫn về nghệ thuật tuồng thông qua hệ thống lời dẫn, lời bình, nhất là phần giao lưu gần gũi, cởi mở giữa các nghệ sĩ với khán giả. Người xem được tận mắt thưởng thức nghệ thuật, được trực tiếp mời lên sân khấu làm quen với đạo cụ, thực hiện một số động tác cùng diễn viên, và thoải mái trình bày những câu hỏi, thắc mắc để hiểu hơn về những đặc trưng, nguyên tắc cơ bản trong kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hóa trang, âm nhạc... của tuồng.

Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Tạ Văn Sốp, người trực tiếp xây dựng chương trình cho biết: Trước đây, đã có một số đơn vị nghệ thuật truyền thống triển khai các mô hình đưa sân khấu đến học đường nhằm tạo nguồn khán giả trẻ, nhưng có mô hình chỉ tập trung vào diễn nên chưa thu hút được học sinh, sinh viên; có mô hình lại hướng đến đào tạo ngắn hạn tại trường nên chưa thể chuyên sâu, thiếu tính bền vững... Trong khi đó, điều quan trọng là gợi được sự hứng thú, mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về nghệ thuật tuồng nơi khán giả trẻ, cho nên nhà hát quyết định xây dựng chương trình theo hướng chặt chẽ, độc lập nhưng linh hoạt, phù hợp với thời gian, không gian, yêu cầu của từng cơ sở đào tạo, bảo đảm thời lượng dành cho việc tương tác ít nhất phải tương đương thời lượng dành cho diễn.

Tuồng là loại hình nghệ thuật có thế mạnh trong khai thác các đề tài lịch sử nên rất phù hợp giới thiệu tại các trường học. Việc được tiếp cận sự kiện, nhân vật lịch sử thông qua các trích đoạn tuồng là biện pháp hiệu quả giúp học sinh tiếp thu lịch sử một cách tự nhiên, hào hứng. Từ đây, các em sẽ có những câu hỏi liên quan đến tuồng, như: tại sao các nhân vật lại được vẽ mặt với mầu sắc, họa tiết khác nhau; tại sao khi bước vào sân khấu, người nghệ sĩ phải xoay người một cái rồi mới diễn?... Và khi được giải đáp các thông tin một cách chính xác, các em từ biết sẽ hiểu và dần yêu hơn nghệ thuật tuồng.

Khi xây dựng đề án chương trình từ năm 2019 đến cuối năm 2020, Nhà hát Tuồng Việt Nam xác định phải đem tới những thứ người xem thật sự cần. Vì vậy, ngay từ đầu, nhà hát đã thiết kế nội dung hướng tới các đối tượng phân theo từng cấp học khác nhau, bảo đảm thông tin được chuyển tải gần gũi, dễ hiểu, hấp dẫn nhất. Trong quá trình này, những người thực hiện đã phải rà soát lại toàn bộ chương trình lịch sử, văn học từ lớp 1 đến hết lớp 12 để xem những nhân vật, vấn đề lịch sử nào có thể dùng tuồng để phản ánh; bên cạnh đó, hệ thống hóa lại tất cả các tác phẩm trong danh sách kịch mục của nhà hát để tìm kiếm những vở diễn, trích đoạn mang tính mẫu mực nhưng phải phù hợp khán giả từng cấp học. Chẳng hạn, với cấp tiểu học có thể lựa chọn trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân", các tích tuồng về Thánh Gióng, Thạch Sanh...; với bậc THCS, THPT có thể chọn các trích đoạn như "Trưng Nữ Vương", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Ôn Đình chém tá"; "Thiếu phụ Nam Xương", hay các tác phẩm tuồng về các anh hùng dân tộc; với bậc cao đẳng, đại học thì sẽ là những khúc đặc sắc nhất của tuồng. Mỗi trích đoạn có những phiên bản diễn khác nhau cho nên để tạo sự thống nhất, mang đến hiệu quả tốt trong khâu giới thiệu, chuyển tải tới người xem, Nhà hát phải cân nhắc để chọn ra bản diễn phù hợp nhất.

Từ năm 2020 đến nay là khoảng thời gian các nghệ sĩ dồn sức để tập luyện. Mỗi tiết mục đều được luyện với bốn kíp diễn khác nhau để bảo đảm sự vận hành liên tục của chương trình và khả năng biểu diễn cùng lúc ở nhiều địa điểm. Cùng với luyện diễn, các nghệ sĩ còn phải luyện kỹ năng giao lưu và cập nhật chính xác các kiến thức cơ bản về tuồng để có thể cung cấp những thông tin chuẩn chỉnh, thống nhất tới khán giả. Chương trình ưu tiên lựa chọn các diễn viên trẻ bởi họ là những gương mặt triển vọng của nghệ thuật tuồng, hơn nữa sẽ "bắt sóng" tốt hơn với người xem là các công chúng trẻ. Với họ, đây còn là cơ hội để xây dựng thương hiệu, tạo dựng lớp khán giả yêu mến và gắn bó với sự nghiệp nghệ thuật của mình... Thời gian tới, nhà hát sẽ xây dựng fanpage riêng cho chương trình, đưa một số trích đoạn, phần giao lưu ấn tượng lên môi trường số để tăng cường tính tương tác, kết nối giữa khán giả và nghệ thuật tuồng.

Những người thực hiện chương trình "Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ" mong muốn hai ngành văn hóa và giáo dục sẽ "bắt tay" thật chặt để tuồng có thể thuận lợi tiếp cận công chúng trẻ ở các cơ sở giáo dục. Hình thành khán giả tương lai một cách khoa học, bài bản, cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung một cách hiệu quả, bền vững nhất.

Theo ĐẮC LINH (Nhân Dân)