Đưa trẻ trở lại trường học là cần thiết nhưng phải an toàn, phù hợp diễn biến dịch

19/02/2022 - 19:12

Bên cạnh số ca mắc tăng cao, việc đi học của trẻ và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở nước ta vẫn ở mức cao, nhất là ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 18-2 của Bộ Y tế cho biết cả nước có đến 42.439 ca mắc COVID-19 (tăng 6.237 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua, số mắc mới trong 1 ngày ở nước ta cao như vậy. Trong đó, Hà Nội lần đầu lên đến gần 4.600 ca/ngày. Bên cạnh số ca mắc tăng cao, việc đi học của trẻ và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết nhưng không được cực đoan


Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Ảnh minh họa: Quang Cường/TTXVN

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học vào ngày 17-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỉ lệ bao phủ vaccine cao; đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt… từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu. Tuy vậy, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hạn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan trong khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park cho biết, việc học sinh đi học trở lại có lợi hơn so với những rủi ro từ dịch bệnh bởi việc đóng cửa trường học trong một thời gian dài gây ra những tác động tiêu cực về mặt giáo dục và sức khỏe đối với trẻ em và xã hội, đặc biệt là với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những trẻ em này phải đối diện một cách bất bình đẳng với các thách thức khi tham gia chương trình học từ xa.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng để sớm cho trẻ đến trường an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh. Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm, thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Việc tổ chức bán trú, học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con, họ thể hiện điều này rất sôi động trên các trang mạng xã hội cũng như nhóm, hội phụ huynh học sinh, nhất là cấp tiểu học.

Cùng với đó, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 gia tăng khi quay trở lại trường gần đây đã khiến nhiều phụ huynh chuyển từ trạng thái mong ngóng, háo hức chờ ngày con được trở lại trường sang lo lắng, bất an, quyết định tiếp tục cho con học trực tuyến để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ trường học. Đặc biệt, với cấp học mầm non, tiểu học, nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng tâm thế cho con quay trở lại trường, nên có tình trạng, lớp học vẫn mở cửa, cô giáo vẫn tới lớp nhưng chỉ có duy nhất một học sinh đến trường học trực tiếp, còn lại tham gia học trực tuyến tại nhà.

Trước diễn biến mới của dịch, một số địa phương đã có điều chỉnh về việc học trực tiếp của học sinh. Cụ thể là ngày 18-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Văn bản số 472/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận. UBND thành phố thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 397/TTr-SGDĐT ngày 18-2-2022 về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1-6 thuộc 12 quận cho đến khi có thông báo mới.

Viều điều chỉnh này của Hà Nội đã tạo được sự đồng thuận với đa số phụ huynh học sinh tiểu học trong bối cảnh số ca mắc ở Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước và thời tiết không thuận lợi, mưa rét liên tiếp.

Còn tại tỉnh Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Lào Cai kể từ ngày 19-2-2022 cho đến khi có thông báo mới để phòng, chống dịch COVID-19…

Chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi


Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại điểm tiêm trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Bộ Y tế cho biết đang chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới) và tiêm ngay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay, cùng những thông tin mới nhất từ nghiên cứu và thực tiễn tiêm ở các nước phát triển, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết, theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Tính an toàn của vaccine cho trẻ ở độ tuổi này cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Theo đó, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Tới đây, tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho biết, bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại, vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn. 

Chia sẻ lý do vì sao đa số trẻ em mắc COVID-19 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng vẫn nên tiêm vaccine, Tiến sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) cho biết, hiện nay, số ca mắc ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng có trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong. Tỷ lệ lớn trẻ em mắc COVID-19 bị nhẹ nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn, số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, viêm đa tạng hay biến chứng bất lợi như viêm cơ tim chiếm tỷ lệ không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vaccine.

Theo TTXVN/Báo Tin tức