Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung tại Jerusalem ngày 4-10-2018. Ảnh: AFP/ TTXVN
Văn phòng Thủ tướng Merkel cho biết, trong cuộc điện đàm, bà Merkel đã nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện giải pháp trên, trong đó nêu rõ đây nên là mục đích của các nỗ lực quốc tế. Cũng tại cuộc điện đàm này, Thủ tướng Merkel đã bày tỏ sự sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với chính phủ tiếp theo tại Israel. Bà đã mời ông Netanyahu sang thăm Đức sau khi chính phủ mới của Israel được thành lập.
Trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 9-4 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ không cho phép thành lập Nhà nước Palestine vì điều này đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Do Thái.
Trước đó cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine sau khi Israel tổ chức tổng tuyển bầu cử và cho biết sẽ phối hợp với các bên để "thúc đẩy tiến triển cho một nền hòa bình ngay lập tức và lâu dài dựa trên cơ sở giải pháp hai nhà nước".
Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử tại Israel được công bố đêm 11-4 cho thấy đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu đã đánh bại đối thủ chính là đảng Xanh - Trắng, giành được 36 ghế tại Quốc hội (Knesset), hơn đối thủ 1 ghế. Với kết quả này, nhóm đảng cánh hữu giành được tổng cộng 65 ghế, vượt quá số ghế cần thiết là 61/120 ghế Quốc hội để lực lượng cánh hữu có thể giành quyền thành lập chính phủ. Thủ tướng Netanyahu đang tiến tới nhiệm kỳ thứ năm và sẽ trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel.
Theo CÔNG ĐỒNG (Báo Tin Tức)