Dựng nghiệp với sản phẩm trà ướp hương

03/06/2020 - 04:56

 - Từ kỹ sư ngành xây dựng cầu đường, anh Trần Hữu Nghĩa bén duyên và chọn gắn bó với nghề sản xuất trà khoảng 10 năm nay. Không ngừng nỗ lực trong cải tiến chất lượng sản phẩm, lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp để phục vụ, thương hiệu trà Hữu Nghĩa dần khẳng định được vị trí trên thị trường.

Anh Nghĩa cho biết, bản thân học được nghề ướp trà từ người bạn quê ở tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm đó, cả 2 còn làm trong ngành xây dựng, cùng hợp tác thử sức sản xuất trà xem như là “nghề tay trái”. Người bạn sau đó trở về quê nối nghiệp gia đình, còn anh Nghĩa nhen nhóm niềm đam mê với hương vị của trà và sau này trở thành khát vọng khởi nghiệp. Anh Nghĩa đầu tư cơ sở sản xuất tại thị trấn An Châu (Châu Thành, An Giang), xây dựng thương hiệu trà cho riêng mình.

Các sản phẩm trà Hữu Nghĩa được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ thương hiệu độc quyền logo nhãn hiệu “Con Gà”. Sau 8 năm ổn định sản xuất, anh Nghĩa dời hết nhà xưởng về quê vợ tại xã Phú Thành (Phú Tân) để mở ra những chiến lược sản xuất mới “dài hơi” hơn.

Anh Nghĩa cho biết, lập nhà xưởng ở vùng quê có nhiều bất tiện, nhất là về giao thông, vận chuyển, nhưng bù lại lực lượng nhân công rất ổn định và làm việc chất lượng. Cơ ngơi nằm giữa vùng sâu mênh mông đồng ruộng, anh nhận thấy còn nhiều tiềm năng mở rộng, thêm vào đó, không khí mát mẻ, trong lành là điều kiện rất tốt để sản xuất trà thuận lợi.

Cơ sở sản xuất trà Hữu Nghĩa

Hiện nay, anh đã lập vườn trồng hoa lài, hoa sen, giải quyết một phần nguyên liệu trong sản xuất, còn lại thu mua thêm từ các địa phương khác như: Bến Tre, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh... và các hộ trồng dứa, sen lân cận ngay trong vùng. Nguyên liệu chính là búp trà được mua từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), vùng trồng trà nổi tiếng, chọn lọc rất kỹ theo mùa. Tất cả hoàn toàn là các thành phần thiên nhiên, hương thơm tinh khiết, vị hậu ngọt. Từ trà sơ chế, cơ sở tiến hành sấy theo tiêu chuẩn và ướp với công thức riêng, ủ hương từ 24 giờ.

Để cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường, giá cả là điều đáng quan tâm, nhưng chất lượng cũng quan trọng không kém. Anh Nghĩa chọn phân khúc thị trường bình dân, mỗi gói trà đến tay người tiêu dùng trị giá 10.000 đồng, đảm bảo hương và vị thuyết phục, vừa đem lại giá trị tinh thần, vừa đảm bảo sức khỏe cho người thưởng thức. Nhờ chiến lược này, các sản phẩm Danh trà Hữu Nghĩa hiện đã có mặt khắp miền Tây, mỗi tháng phân phối khoảng 15 tấn trà qua kênh bán lẻ lẫn bỏ sỉ cho các đơn vị hợp tác.

Cơ sở trà của anh Nghĩa hiện giải quyết việc làm cho trên 40 công nhân với mức lương ổn định, đối với nữ từ 4 triệu đồng và nam từ 6 triệu đồng. Quy trình làm trà đòi hỏi sạch và các điều kiện về độ ẩm, chất lượng nên anh còn chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, đa số lao động chỉ vận hành trên máy theo các công đoạn: sấy, ủ, đóng gói… bên cạnh vị ngon còn phải giữ hương lâu, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Năm 2017, Danh trà Hữu Nghĩa được vinh danh “Thương hiệu chất lượng cao” do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo phối hợp cùng nhiều đơn vị đồng tổ chức. Hàng năm, các sản phẩm trà của cơ sở còn được tỉnh, huyện hỗ trợ tham gia các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hợp nông, quảng bá thương hiệu để giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng. Từ vị trà xanh nguyên chất, cơ sở Hữu Nghĩa đã góp vào thị trường 3 sản phẩm: trà sâm dứa, trà hương lài, trà hương sen cho người tiêu dùng thêm sự lựa chọn, có thể uống nóng, pha trà đá, trà đường… thích hợp thói quen người miền Tây.

Anh Trần Hữu Nghĩa (bìa trái) trong chuyến quảng bá sản phẩm tại Campuchia

Không chỉ đặt cái tâm vào sản xuất, tại địa phương, anh Nghĩa còn nhiệt tình đồng hành cùng chính quyền thực hiện rất nhiều việc thiện giúp đỡ hộ nghèo, ủng hộ khuyến học, xây dựng nông thôn mới. Gần đây nhất, gia đình anh đã tài trợ máy “ATM gạo” cho UBND xã Phú Thành hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người bán vé số khó khăn. Đồng thời, cơ sở còn là điểm đến để Đoàn Thanh niên tổ chức cho học sinh tham quan quy trình chế biến trà, tìm hiểu ngành nghề tại địa phương, góp phần định hướng nghề nghiệp, giáo dục ý thức yêu lao động, yêu quê hương cho các em.

MỸ HẠNH