Estonia thành điểm nóng lạm phát ở châu Âu

16/08/2022 - 19:28

Giá cả ở quốc gia Baltic này đã tăng 22,7%/năm, mức cao nhất trong các nước khu vực đồng euro.

Một em nhỏ người Estonia thanh toán tiền mua hàng trong bối cảnh nước này chứng kiến tốc độ lạm phát cao nhất khu vực đồng euro (Eurozone). Ảnh: AFP/ Getty Images

Tại khu chợ trung tâm của thủ đô Estonia, người mua hàng nhăn mặt khi đọc giá trong ngày các loại trái cây và rau củ mùa hè được xếp trong các hộp. Ở gian hàng thực phẩm đóng gói và đồ hộp, một người phụ nữ liếc nhìn những tấm bảng giá mới được viết, rồi quay bước còn người bán hàng chỉ biết nhún vai.

Anna Cordey, sinh viên 19 tuổi, làm thêm bán hàng ở quầy trái cây cho biết: “Mọi người thực sự không hài lòng với giá cả mọi thứ bây giờ. Họ như đổ lỗi cho tôi vì tôi đang ở ngay trước mặt họ, nhưng tôi nghĩ họ biết tôi không thể làm gì”.

Trong bối cảnh cơn bão lạm phát đang tấn công châu Âu do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, Estonia đã chứng kiến tốc độ lạm phát nhanh nhất ở khu vực đồng euro (Eurozone). Số liệu gần đây cho thấy mức tăng lên tới 22,7%/năm.

Con số này vượt xa mức trung bình của khối. Giá cả trung bình tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 8,9% /năm tính đến cuối tháng 7 vừa qua.

Cordey cho biết, một năm trước quả mâm xôi ở quầy của cô có giá 7 euro/kg, giờ lên 10,9 euro.

Dọc theo con đường chính từ chợ, các biển báo tại một trạm xăng cho thấy xăng không chì đang ở mức 2 euro/lít, gần bằng mức kỷ lục gần đây. Manvel Musaelyan, một người bán xe hơi, cho biết giá cả lúc này đang quá cao. “Thật vớ vẩn. Phải làm gì đó, chính phủ phải cắt giảm thuế hay gì đó. Không thể tiếp tục thế này”, anh nói.

Xu hướng lạm phát cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Estonia có thể do một loạt yếu tố bao gồm sự khan hiếm do giá điện tăng cao và cuộc phục hồi đặc biệt mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch dẫn đến tình trạng thiếu lao động, chi phí lương cao hơn. Theo Ngân hàng trung ương Estonia, đến cuối năm 2021 sản lượng kinh tế của nước này cao hơn khoảng 7% so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, Đức, cường quốc kinh tế của khu vực, đã không thể trở lại quy mô trước đại dịch vào cùng thời điểm đó.

Estonia đã kêu gọi các chính phủ EU phối hợp với các ngân hàng trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến lạm phát cao. Ảnh: AFP via Getty Images

Cơn đau đầu của chính phủ 

Với chính phủ Estonia, khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng tới, áp lực càng mạnh mẽ.

Thủ tướng Kaja Kallas theo đuổi một chính sách tài khóa khá khắc khổ kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2021, và đã nói rằng bà muốn tiếp tục hạn chế chi tiêu. 

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 6, Thủ tướng Kallas đã kêu gọi chính phủ các nước EU làm việc với các ngân hàng trung ương để giải quyết các vấn đề toàn cầu như cuộc xung đột tại Ukraine và những tác động của đại dịch COVID-19, những nhân tố phía sau tình trạng lạm phát cao và triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám.

“Chúng tôi đang ở trong tình huống khó khăn, đòi hỏi phải có những bước đi cẩn thận”, bà Kallas nói.

Việc Estonia trở thành thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu có nghĩa là nước này không thể thay đổi lãi suất một cách độc lập để phù hợp với nhu cầu kinh tế của mình, chẳng hạn như tăng chi phí đi vay ngay lúc này để cắt giảm hoạt động kinh tế và giúp hạ giá cả.

Thay vào đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có trụ sở tại Đức sẽ đưa ra quyết định đối với tất cả các nước Eurozone sau khi thảo luận với các thống đốc của 19 nước thành viên. Điều đó có nghĩa là lãi suất có thể không tăng nhiều như Estonia mong muốn, vì những thành viên Eurozone đang vay nợ nhiều và chỉ chịu lạm phát thấp hơn như Italy có khả năng sẽ phản đối.

Vào tháng 7, ECB đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm với lý do cần phải làm giảm kỳ vọng lạm phát trong tương lai, vốn đã tăng vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng. ECB báo hiệu rằng một đợt tăng lãi suất nữa sẽ đến vào tháng 9, và các thị trường hiện đang trông đợi mức tăng nửa điểm phần trăm.

Nhưng bất chấp điều này, các nhà kinh tế cho rằng lạm phát ở Estonia có khả năng vẫn ở mức cao trong nhiều tháng tới, vượt xa mọi đợt tăng lương, khiến người dân có thu nhập khả dụng ít hơn.

Dự báo chính thức mới nhất của Ngân hàng Trung ương Estonia vào tháng 6 cho thấy họ dự kiến ​​lạm phát sẽ đạt mức trung bình 15,4% trong năm 2022 và 4,3% vào năm 2023. Nhưng kể từ đó, lạm phát tăng mạnh hơn dự kiến, khiến mức dự báo này có thể bị thực tế bỏ xa.

Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài chính Estonia cho biết chính phủ đang lên kế hoạch một số biện pháp để giảm bớt áp lực tăng giá đối với các hộ gia đình. Chẳng hạn, chính phủ có thể áp dụng chính sách các cá nhân thu nhập lên đến 654 euro/tháng sẽ được miễn thuế thu nhập, so với mức 500 euro trước đây. Thuế tiêu thụ đặc biệt với điện và nhiên liệu sẽ được đóng băng cho đến tháng 4/2024.

Người dân châu Âu đang gặp khó khăn khi lạm phát tăng cao. Ảnh: Reuters

Phản ứng của người dân

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Estonia đã có nhiều phản ứng khác nhau với tình trạng lạm phát.

Tại khách sạn Iglupark ở bến cảng thủy phi cơ trước đây của Tallinn, du khách có thể thư giãn trong những chiếc lều gỗ trên sân tắm nắng nhìn ra Biển Baltic. Trợ lý giám đốc Taavi Nõmmistu cho biết những tháng gần đây Iglupark gặp khó khăn khi mỗi chiếc lều được sưởi bằng điện khiến công ty đối mặt giá điện tăng vọt. Ông Nõmmistu cho biết các mức giá của khách sạn cũng buộc phải tăng để bù lại lạm phát.

Một phản ứng khác đối với lạm phát cao là người lao động đang yêu cầu trả lương cao hơn. Nhật báo Estonia Aripaev cho biết các nhân viên của công ty viễn thông Ericsoon đã gây áp lực đòi tăng lương.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy tiền lương ở Estonia đã tăng 8,1% trong quý đầu tiên của năm nay, so với mức tăng 4,9% trong cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn không ăn thua gì so với tốc độ lạm phát. Ngân hàng Trung ương Estonia dự báo ​​tăng trưởng tiền lương sẽ đạt mức cao nhất 10% trong năm nay và áp lực phải duy trì mạnh mẽ trong năm tới.

Nếu một loạt doanh nghiệp tiếp tục tăng giá, và nhiều công nhân tiếp tục yêu cầu mức lương cao hơn, tình trạng đó có thể gây đau đầu cho giới chức Ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách tài khóa.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)