Đồng tiền euro tại ngân hàng ở Heidelberg, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong chuyến thăm, tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa cho biết EU sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ tài chính thường xuyên cho Ukraine, với mức 1,5 tỷ euro mỗi tháng bắt đầu từ năm 2025. Ngân sách sẽ được lấy từ tài sản của Nga đã bị EU đóng băng, được sử dụng linh hoạt, bao gồm cả mục đích quân sự, nhằm giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ và phục hồi đất nước.
Về phần mình, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi tăng cường "lá chắn không quân" của nước này nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ EU trong việc cung cấp đạn pháo cho quân đội Ukraine và kêu gọi thực hiện đầy đủ những sáng kiến quan trọng liên quan đến việc cung cấp pháo từ toàn châu Âu.
Cũng tham gia chuyến thăm, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas và Tổng thống Zelensky đã thảo luận về thông tin một số nước phương Tây có thể gửi quân đến Ukraine, trong đó có tuyên bố từ Tổng thống Pháp. Bà cũng đề xuất rằng châu Âu có thể đóng vai trò giám sát lệnh ngừng bắn sau khi xung đột kết thúc.
Hai quan chức trên cùng Ủy viên châu Âu phụ trách mở rộng Marta Kos, đã đến thăm Kiev vào ngày đầu tiên nhậm chức, thể hiện sự ưu tiên hàng đầu của EU trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời tăng cường sự đoàn kết giữa EU và Ukraine trước những thách thức chung.
Từ Washington, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ hỗ trợ hết sức cho Ukraine trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Phát biểu trên truyền hình ngày 1/12, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết: "Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể trong 50 ngày tới để cung cấp cho Ukraine tất cả công cụ cần thiết nhằm củng cố vị thế của họ trên chiến trường và có ưu thế hơn tại bàn đàm phán. Ông Sullivan đã được Tổng thống Biden giao nhiệm vụ giám sát việc tăng cường chuyển giao trang thiết bị quân sự cho Ukraine, nhằm sử dụng hết số tiền mà Quốc hội đã phân bổ trước khi ông rời nhiệm sở.
Tháng trước, ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ hoài nghi về mức độ viện trợ cho Ukraine, điều này khiến ông có quan điểm trái ngược với ông Biden, người luôn là đồng minh vững chắc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc xung đột với Nga.
Theo TTXVN