Người di cư xô xát với cảnh sát biên phòng Macedonia với cố gắng vượt qua biên giới Macedonia - Hy Lạp để vào được châu Âu. Ảnh: AFP
Dù lượng người di cư vào các nước EU hiện giảm so với năm 2015, nhưng bất đồng vẫn bùng nổ giữa Italy - điểm đổ bộ đầu tiên của người di cư - và Đức - "miền đất hứa" của người di cư.
Từ khi nắm chính quyền hồi đầu tháng 6, Chính phủ dân túy Italy đã từ chối tiếp nhận các tàu cứu hộ treo cờ nước ngoài chở người di cư. Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tuyên bố những tàu cứu hộ trên sẽ không bao giờ có thể đi vào lãnh thổ Italy, đồng thời khẳng định rằng các căn cứ chống người nhập cư của nước này sẽ ngăn chặn nạn buôn người.
Trong khi đó tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã ra "tối hậu thư" cho Thủ tướng Angela Merkel đến cuối tháng 6 phải tìm ra một thỏa thuận EU để kìm hãm số người nhập cư mới đến châu Âu, nếu không ông sẽ ra lệnh cho cảnh sát bờ biển gửi trả người nhập cư và nhiều người trong số họ phải bị trả về Italy.
Vấn đề chính nằm ở sự chia rẽ sâu sắc về việc nước nào sẽ phải đảm nhận trách nhiệm đối với những tàu mới đến, thường xuyên là các nước Địa Trung Hải như Italy, Hy Lạp và tiếp đến là Tây Ban Nha.
Tranh luận về vấn đề người di cư trước hội nghị thượng đỉnh hẹp ngày 24-6 đã lan rộng sang cả Trung Âu, với việc Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết Áo sẽ tái triển khai hoạt động kiểm tra biên giới với Italy nếu Đức đóng chặn những người di cư ở biên giới với Áo.
Với các kế hoạch sửa đổi luật tị nạn của châu Âu, các nhà lãnh đạo EU hy vọng sẽ ngăn chặn người di cư rời Bắc Phi bằng cách trả tiền cho các nước như Algeria, Ai Cập, Libya, Maroc và Tunisia. Ngày 23-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất rằng những người di cư đến châu Âu được đặt trong "các trung tâm khép kín trên đất châu Âu" để chính quyền có thể nhanh chóng quyết định xem họ có đủ điều kiện xin tị nạn và gửi về nước những người không hội đủ điều kiện.
Phát biểu tại Paris sau cuộc họp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ông Macron cho biết các nước châu Âu sẽ chấp nhận những người di cư đủ điều kiện xin tị nạn, giúp loại bỏ gánh nặng của các quốc gia Địa Trung Hải tuyến đầu như Italy hay Tây Ban Nha. Trong khi đó, Italy đề xuất các "điểm nóng" xử lý các đơn xin tị nạn sẽ được đặt tại các quốc gia xuất xứ hoặc quá cảnh của người di cư.
Làn sóng di cư của hơn 1 triệu người trong năm 2015, hầu hết trong số đó là chạy trốn các cuộc chiến ở Syria và Iraq, cho thấy lỗ hổng rõ rệt trong tiếp đón người nhập cư và các luật về tị nạn của các nước EU. Vấn đề này làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia EU, và các đảng có quan điểm kỳ thị chống người nhập cư đã thắng thế tại châu Âu bằng cách làm dấy lên nỗi lo của người dân.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 80.000 người dự kiến đến EU bằng đường biển trong năm nay, bằng một nửa so với năm 2017. Bà Sophie Magennis thuộc UNHCR nhận định rằng các nước EU hiện không có khủng hoảng về số lượng người di cư, mà đang trong khủng hoảng về ý chí chính trị.
Theo TTXVN/Báo Tin tức