Khách bộ hành đeo khẩu trang khi chụp ảnh tại cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin, Đức. (Ảnh: Xinhua)
Trước sự lây lan chưa có điểm dừng của dịch bệnh thì hiện vaccine được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt và phân bố không đồng đều vaccine COVID-19 đang khiến nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh của con người gặp phải nhiều thách thức.
Tại cuộc họp báo ngắn ngày 5-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết COVAX - cơ chế vaccine quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác đã phân phối hơn 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tới 20 quốc gia. Trong tuần tới, COVAX sẽ phân phối 14,4 triệu liều vaccine tới 31 quốc gia nữa. Mặc dù vậy thì theo ông, lượng vaccine được phân phối thông qua cơ chế COVAX vẫn còn khá khiêm tốn, bao phủ chỉ 2 đến 3% dân số ở các nước nhận được vaccine thông qua cơ chế này.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 6-3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 92.239.497 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 21.800.888 ca bệnh đang điều trị thì có 21.711.139 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 89.749 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 34.835.739 trường hợp, trong đó có 830.617 ca tử vong và 24.437.483 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan mạnh, ngay cả khi chính phủ các nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine cho người dân. Trong 24 giờ qua, “lục địa già” ghi nhận nhiều số ca mắc mới COVID-19 nhất so với các khu vực khác trên thế giới, với 165.769 trường hợp.
Hiện Bắc Mỹ có 33.956.794 ca nhiễm bệnh, trong đó có 773.169 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 29.585.997 ca nhiễm và 535.326 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.112.508 ca nhiễm và 188.866 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 880.715 ca nhiễm và 22.186 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 6-3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 25.392.294 trường hợp, với 402.716 ca tử vong và 23.828.132 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.161.446 ca bệnh đang điều trị thì có 22.061 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 11.190.651 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.757.460 ca.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 91.648 ca nhiễm và 1.989 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 18.419.974 trường hợp, với 477.557 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 10.869.227; 2.269.582; 2.141.854; 1.349.847… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 6-3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.973.864 trường hợp, trong đó có 105.352 ca tử vong và 3.534.743 ca bình phục. Trong tổng số 333.769 ca đang điều trị thì có 2.509 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.518.979 ca nhiễm COVID-19 và 50.566 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 77 ca nhiễm COVID-19, trong đó 14 ca ở Australia; 63 ca còn lại ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 51.518 ca nhiễm và 1.093 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.021 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.459 ca.
Theo T.LAN (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)