Gần 250 triệu người trên thế giới mắc COVID-19

06/11/2021 - 09:10

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 6-11 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 473.464 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 249.793.812 ca, trong đó 5.052.144 ca tử vong và 226.142.920 ca đã được chữa khỏi

Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (7.872.526 ca), vượt xa châu Âu  (65.774.627 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 56.722.490 ca  và Nam Mỹ với 38.508.390 ca. Châu Phi (8.595.093 ca) và châu Đại Dương (319.965  ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Châu Á ghi nhận 95.286 ca mắc mới,1.506 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở khu vực này cho đến nay là 1.178.560 ca, trong khi đó có 76.960.391 ca đã bình phục.

 Khoảng 97,8% dân số trưởng thành tại Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Bộ Y tế Malaysia cho biết trong ngày 5-11 nước này ghi nhận thêm 4.922 ca mắc COVID-19 và 64 bệnh nhân không qua khỏi, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lần lượt thành 2.497.265 và 29.155. Tính đến ngày 4-11, khoảng 97,8% dân số trưởng thành tại Malaysia đã nhận được ít nhất một mũi vaccine, trong đó 95,8% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi, hơn 2,2 triệu trẻ, tương đương 70,2% đã hoàn thành việc tiêm chủng và hơn 2,62 triệu trẻ (83,4%) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Trong khi đó, Indonesia đang phối hợp cùng Singapore thiết lập chương trình Hành lang du lịch đã tiêm chủng (VTL) cho du khách nước ngoài. VTL là chương trình đảm bảo cho du khách nước ngoài thực hiện các hoạt động đi lại khi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và có giấy chứng nhận y tế.

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 xuống còn 3 ngày đối với những doanh nhân nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ khi họ nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 8-11 tới. Quốc gia Đông Bắc Á này cũng sẽ khôi phục việc nhập cảnh với những người cư trú lâu dài, bao gồm sinh viên và các thực tập sinh kỹ thuật theo diện nội trú.

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý số ca nhiễm mới COVID-19 tại châu lục này đã tăng 55% trong 4 tuần vừa qua, bất chấp các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh, coi đây là sự cảnh báo đối với các khu vực khác trên thế giới.

Tại Bắc Mỹ, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm, với 47.254.169 ca, trong đó 773.617 đã tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 60.834 ca mắc mới. Chính quyền thành phố New York và các tổ chức nghiệp đoàn đại diện cho hơn 70.000 người lao động đã đạt được một thỏa thuận về việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có nội dung về miễn trừ và chính sách cho nghỉ việc.

Tại Nam Mỹ, Brazil ghi nhận số ca mắc ở mức cao nhất khu vực, với 21.862.458 ca, trong đó 609.060 ca đã tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 13.321 ca nhiễm mới.

Tại châu Phi, tổng số ca bệnh tại châu Phi đã lên đến mức hơn 8.595.093 ca, trong đó có 219.691 ca tử vong và khoảng 7.936.985 bệnh nhân đã hồi phục. Hiện Nam Phi, Marocco, Tunisia và Ethiopia đang là những quốc gia có tổng số ca bệnh đứng hàng đầu châu lục.

Tại châu Đại Dương, Australia là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 177.393 ca, trong đó có 1.795 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.580 ca nhiễm mới.

Theo KG (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)