Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) nơi diễn ra các trận đấu môn bóng đá nam SEA Games 31
Đến nay, các địa phương đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ đại hội, bảo đảm cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt công tác tổ chức lễ khai mạc, bế mạc để có một kỳ Đại hội thành công.
Việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 không chỉ là sự kiện thể thao quan trọng nhất của khu vực, mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Hiện tại, các địa điểm tập luyện, thi đấu và phục vụ của đại hội đang trong giai đoạn cuối nâng cấp, sửa chữa.
Cơ bản bảo đảm tiến độ
Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn khẳng định: "Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngành thể thao theo rất sát công tác nâng cấp, sửa chữa các điểm phục vụ cho SEA Games 31 tại Hà Nội và các địa phương. Hiện tại, việc nâng cấp, sửa chữa tại các điểm tổ chức SEA Games 31 đang vào giai đoạn hoàn thiện. Nhóm các công trình trọng điểm như Cung thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, sân vận động Mỹ Đình, Trường bắn súng quốc gia (tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội), Nhà thi đấu tại Trường đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, khu đường đua xe đạp tại tỉnh Hòa Bình... đã ở giai đoạn hoàn thiện".
Hai cụm công trình được quan tâm là Trường bắn súng quốc gia và Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) sẽ có bộ mặt mới sau khi được nâng cấp, sửa chữa phục vụ SEA Games lần này. Bà Vũ Thị Anh Đào, phụ trách bộ môn bắn súng của Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, Trường bắn súng quốc gia đã hoàn thành lắp thiết bị điện tử của bục bắn, bia bắn vào ngày 17/3 và bàn giao cho Ban tổ chức SEA Games 31. Ngành thể thao dự kiến tổ chức giải quốc tế tiền SEA Games 31 đối với ba môn gồm bắn súng, điền kinh và bơi lội. Ngoài yếu tố về chuyên môn, các giải đấu còn giúp Ban tổ chức vận hành thử các thiết bị ở điểm thi đấu, qua đó rút kinh nghiệm để tránh các sai sót khi SEA Games 31 chính thức tranh tài. Tại Cung thể thao dưới nước, các nhà thầu thi công đang lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị điện tử. Trong khi đó, theo Trưởng bộ môn xe đạp và mô-tô thể thao Nguyễn Ngọc Vũ, tiến độ hoàn thiện cung đường đua của hai nội dung đường trường, địa hình dành cho môn xe đạp tại tỉnh Hòa Bình được cập nhật liên tục. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất của đường đua xe đạp đạt 90% tiến độ thực hiện. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho biết, lãnh đạo tỉnh và thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo rà soát lộ trình đường đua và khẩn trương nâng cấp cải tạo những đoạn đường xuống cấp để phục vụ tổ chức thi đấu môn xe đạp đường trường, đồng thời thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công dự án đường đua xe đạp địa hình, chỉ còn lại một số hạng mục đã thống nhất với các bên liên quan để hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trước ngày 30/3.
Hiện nay, một số nhà thi đấu ở Hà Nội và các địa phương vẫn đang thực hiện nâng cấp, sửa chữa những hạng mục nhỏ và được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Theo lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao, một trong những khó khăn lúc này của ngành thể thao là phải chờ trang thiết bị thi đấu ở một số môn phải vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Làm việc cùng Tổng cục Thể dục Thể thao tuần qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề nghị các tiểu ban và Trung tâm điều hành SEA Games 31 khẩn trương rà soát, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở mỗi tiểu ban. Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian từ nay đến khai mạc SEA Games 31 không còn nhiều, cho nên các đơn vị cần tập trung cao nhất để xử lý công việc hiệu quả.
Khẩn trương xử lý các tồn đọng
Theo khảo sát, tại Hà Nội, nơi diễn ra phần lớn các môn thi đấu của SEA Games 31, ngoài các sân vận động, trung tâm thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nằm trên địa bàn Thủ đô, còn có 15 địa điểm do chính quyền các cấp của thành phố quản lý. Trong đó, có 12 địa điểm tại các quận, huyện và ba địa điểm do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố quản lý. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đến nay, các hạng mục công trình được đầu tư đều theo đúng tiến độ thi công. Ba công trình do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý đã hoàn thiện và được bàn giao; 12 công trình do các quận, huyện quản lý đang trong giai đoạn hoàn thiện cảnh quan và một số hạng mục phụ trợ như khu vệ sinh, hành lang, điện, nước và trang trí... Riêng Nhà thi đấu quận Tây Hồ từng được trưng dụng trong dịch Covid-19, mới được bàn giao mặt bằng trong tháng 2/2022, nhưng theo bà Đỗ Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, việc tu sửa đang được khẩn trương thực hiện bên cạnh việc trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan để sẵn sàng đón các vận động viên teakwondo thi tài. Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng đoàn làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đến các nhà thi đấu trên địa bàn kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31. Đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu tất cả công trình phục vụ SEA Games 31 của Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nâng cấp, sửa chữa theo đúng kế hoạch.
Quảng Ninh là địa phương đăng cai bảy môn thi đấu tại SEA Games 31, bao gồm các môn: triathlon và duathlon, bóng đá nữ, bóng chuyền trong nhà; bóng chuyền bãi biển; bóng ném bãi biển, cờ tướng, cờ vua. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tỉnh đang hoàn thiện hạ tầng các hạng mục đáp ứng thi đấu SEA Games. Trong đó, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ đã có thêm nhà tập luyện, hệ thống đèn chiếu sáng sân thi đấu môn bóng chuyền..., dự kiến hoàn thành trong tháng này. Sân vận động Cẩm Phả thi đấu môn bóng đá nữ được đầu tư hơn 240 tỷ đồng cải tạo mái che, hệ thống tưới và thoát nước, thay cỏ mặt sân, điều chỉnh kích thước, nâng sức chứa lên 16 nghìn chỗ ngồi. Tại các địa điểm Tuần Châu; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử diễn ra môn bóng chuyền bãi biển, cờ vua, cờ tướng, cơ sở hạ tầng và sân bãi đang được các đơn vị san gạt, lắp đặt thiết bị, bảo đảm tiêu chuẩn thi đấu của Ban Tổ chức đại hội.
Nhìn chung, tại các tỉnh, thành phố, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện hậu cần, chuyên môn để tổ chức các môn thi đấu như: môn muay (Vĩnh Phúc), môn boxing, kickboxing (Bắc Ninh), môn futsal (Hà Nam), môn karate (Ninh Bình), môn bóng bàn (Hải Dương) đều đã hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên, tu bổ, nâng cấp nơi tập luyện, thi đấu và các phòng chức năng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đèn chiếu sáng, âm thanh, bảng báo điện tử, bố trí internet tốc độ cao, đường truyền cáp quang dự phòng để phục vụ truyền hình trực tiếp. Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lựa chọn là nơi sẽ diễn ra các trận thi đấu của đội tuyển U23 Việt Nam ở vòng bảng cũng đã được tỉnh đầu tư hơn 44 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, bổ sung trang, thiết bị. Cuối tháng 3 này, sân vận động Việt Trì sẽ hoàn tất công tác sửa chữa, nâng cấp theo các yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á. Cùng với tỉnh Phú Thọ, tỉnh Nam Định đăng cai tổ chức các trận thuộc một bảng đấu bóng đá nam cũng được đầu tư gần 30 tỷ đồng, đến nay đạt 90% khối lượng và sẽ kịp hoàn thành vào giữa tháng 4.
Chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đầy đủ là yếu tố quan trọng của thành công, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của Việt Nam tổ chức SEA Games 31 trở thành một kỳ Đại hội kiểu mẫu, giúp thể thao Việt Nam và khu vực có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực.
Theo Nhân dân