Gerd Mueller trong khoảnh khắc đăng quang ở World Cup 1974 cùng đội tuyển Tây Đức. (Ảnh: Mirror)
Trong trí nhớ của tất cả, bóng đá tổng lực mà những người Hà Lan giới thiệu ở World Cup 1974 vẫn khiến người ta say đắm. Vậy tại sao thứ bóng đá quyến rũ ấy không giúp Johan Cruyff và đồng đội đăng quang?
Càng khó hiểu hơn, ở trận chung kết tại Munich, Hà Lan mở tỷ số ngay phút thứ 2 và khiến Tây Đức cảm thấy sợ hãi. Tiền vệ Bernd Holzenbein thú nhận, “cảm thấy nhỏ bé trước đối thủ” và “không dám nhìn vào ánh mắt ngạo nghễ của các cầu thủ Hà Lan”.
Phải thừa nhận rằng Hà Lan đã quá tự tin và cả sự kiêu ngạo. Họ chuyền và chuyền, mà quên mất phải ghi thêm bàn thắng. Trong khi đó, người Đức bắt đầu tức giận để quật khởi trở lại. Breitner là người gỡ hòa phút 25, trước khi Gerd Mueller ghi bàn kết liễu phút 43.
Pha lập công của Mueller giống như một phản đề với phong cách bóng đá duy mỹ của người Hà Lan. Nó không đẹp mắt nếu xét theo nhiều khía cạnh. Mueller đã khống chế không tốt đường chuyền của đồng đội, khiến bóng ngược trở lên. Ông quay lại rồi xoay người sút luôn. Pha dứt điểm ấy không đặc biệt hoàn hảo. Bóng đi nhẹ và chìm. Tuy nhiên, thủ môn Jan Jongbloed của Hà Lan lại đứng chôn chân. Jongbloed không sẵn sàng cho một cú sút, vì không nghĩ Mueller có thể làm được ở vị trí đó, với tư thế đó.
Bàn thắng này đưa Tây Đức trở thành nhà vô địch World Cup, đồng thời biến Mueller thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử giải đấu với 14 pha làm bàn (32 năm sau, kỷ lục này mới bị phá bởi Ronaldo của Brazil). Ngoài ra, nó cũng khái quát phong cách của Mueller, một người từng bị cho là thiếu các phẩm chất để trở thành cầu thủ chứ chưa nói là tiền đạo xuất chúng.
David Winner, tác giả cuốn sách nổi tiếng Brilliant Orange, mô tả Mueller là một người “thấp bé, vụng về và cũng không nhanh nhẹn”. Trước khi bước vào nghiệp cầu thủ, Mueller cũng bị chế giễu bởi vóc dáng vừa mập vừa lùn, sau đó được định hướng trở thành người bán bảo hiểm.
Tuy nhiên, Mueller đã biến những nhược điểm thành lợi thế. Trọng tâm thấp giúp ông đứng vững trước sức ép của các hậu vệ, dễ xoay sở trong không gian hẹp và giữ thăng bằng khi chạy bất chấp tác động từ đối phương. Ông không phải mẫu cầu thủ có tốc độ, nhưng có khả năng bứt tốc đoạn ngắn. Và điều đáng sợ nhất, là Mueller có biệt tài ghi bàn theo mọi cách mà ít người có thể hình dung ra.
Rất giỏi đánh hơi cơ hội, Mueller luôn có mặt đúng lúc đúng nơi và dù ở trường hợp nào, vẫn biết cách để đưa bóng vào lưới. Ông ghi bàn bằng cả hai chân, bằng đầu, ngực hay mọi bộ phận khác trên cơ thể. Ngay cả những tình huống bất khả thi, Mueller vẫn khiến người ta kinh ngạc tự hỏi, rốt cuộc ông đã làm thế nào?
Không tạo nên những khoảnh khắc ngoạn mục hay đại diện cho bóng đá nghệ thuật, Mueller đơn giản hóa mọi thứ và đưa bóng đá về hiện thực tàn nhẫn. Như trong trận chung kết World Cup 1974, lập luận của Mueller sẽ là: tại sao phải phức tạp với các chuyển động tinh vi dựa trên hiểu biết về không gian, trong khi trận đấu quyết định bởi các bàn thắng? Tất cả chỉ là ghi bàn, ghi bàn và ghi bàn.
Biệt danh “Mueller lùn béo” sớm trôi vào quên lãng, thay vào đó là Der Bomber - Vua dội bom. Trong sự nghiệp kéo dài 19 năm, ông ghi 722 bàn thắng, bao gồm 654 bàn cho CLB, chủ yếu là Bayern, và 68 bàn cho đội tuyển Tây Đức. Có 14 mùa ông ghi được 30 bàn trở lên, cá biệt mùa 1972/73, ông ghi tới 66 bàn thắng.
Cựu Chủ tịch Bayern, cũng là một huyền thoại của bóng đá Đức, Karl-Heinz Rummenigge nói rằng, nếu không có những bàn thắng của Mueller, sẽ không có Bayern và đội tuyển Đức như ngày nay. Ông ca ngợi Der Bomber là “cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại”, “một Muhammad Ali trong khu cấm địa” với mỗi cú ra đòn là một lần đối thủ bị knock-out.
Vào chủ nhật, 15-8, con người vĩ đại ấy đã qua đời ở tuổi 75. Mặc dù cả thế giới đều biết, Mueller đã chống chọi với căn bệnh mất trí nhớ khiến ông “gần như không thể ăn và chìm trong giấc ngủ cả ngày”, nhưng thông tin ông mất đi vẫn gây sốc. Dù bóng đá đổi thay và khoa học thể thao biến các cầu thủ thành những cỗ máy săn bàn, Mueller vẫn là độc nhất.
Theo HẢI THANH (Nhân Dân)