Giá xăng dầu hôm nay 1-7: Xăng trong nước giảm, dầu thế giới tăng

01/07/2022 - 08:26

Ngược với đà lao dốc của phiên giao dịch trước, giá dầu WTI tăng nhẹ 10%, Brent vẫn “neo” ở 109,03 USD/thùng. Giá xăng trong nước dự kiến giảm nhẹ.

Giá xăng dầu thế giới

Sau cú trượt giá tới gần 2% vào phiên giao dịch ngày 29-6, giá “vàng đen” tiếp tục đà lao dốc, trượt dài thêm khoảng 3% kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.

Quyết định giữ nguyên sản lượng tăng cho tháng 8 của OPEC+ đẩy giá dầu lao dốc. Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu ngày 30-6 lao dốc khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) xác nhận sẽ chỉ tăng sản lượng trong tháng 8 như đã thông báo trước đó là 648.000 thùng/ngày bất chấp nguồn cung trên thế giới đang ngày một eo hẹp. Quyết định này của OPEC+ khiến thị trường băn khoăn về sản lượng trong tương lai của tổ chức này nói riêng và của thế giới nói chung.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 30-6, giá dầu thô Brent giao tháng 9 đã giảm 3,42 USD, tương đương 3%, xuống còn 109,03 USD/thùng. Hợp đồng tháng 8, đã hết hạn vào ngày 36-6, giảm 1,45 USD, tương đương 1,25%, xuống còn 114,81 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 4,02 USD, tương đương 3,7%, xuống 105,76 USD/thùng.

Theo Reuters, sau hai ngày nhóm họp, OPEC+, bao gồm cả Nga, đã đồng ý giữ vững chiến lược sản lượng. Trước đó, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, tăng 50% so với những tháng trước đó. Tại cuộc họp ngày 29 và 30-6, OPEC+ đã tránh thảo luận về sản lượng cho tháng 9.

Cũng theo Reuters, các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, gây ra lo ngại lạm phát và suy thoái.

Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đồng loạt tăng lãi suất. Việc này làm dấy lên lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị cản trở, gây suy thoái kinh tế, đẩy giá dầu lao dốc.

Sự sụt giảm giá trên thị trường dầu càng trở nên trầm trọng hơn khi các nhà giao dịch Mỹ “không động tĩnh” trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày nhân Quốc khánh Mỹ 4-7.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết: “Mọi người đang lấy tiền ra khỏi bàn”.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến giá dầu trở lại đà leo dốc. Ảnh minh họa: Getty

Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung vẫn tiếp tục có thể hạn chế sự sụt giảm giá. Hiện các chuyến hàng của Libya từ hai cảng phía đông bị đình chỉ, trong khi sản lượng của Ecuador giảm do các cuộc biểu tình đang diễn ra.

Tại Na Uy, 74 công nhân khai thác dầu ngoài khơi tại các giàn khoan Gudrun, Oseberg South và Oseberg East của Equinor (EQNR.OL) sẽ đình công từ ngày 5-7. Vì vậy, sản lượng dầu của Na Uy có thể sẽ giảm khoảng 4%.

Trong khi đó, ngày 30-6, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết mức trần giá nhập khẩu có thể áp dụng đối với dầu của Nga có thể đẩy giá dầu lên cao hơn.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.873 đồng/lít; dầu diesel không quá 30.019 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.785 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.735 đồng/kg.

Chiều nay, tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm sẽ khá khiêm tốn, khoảng 100-200 đồng/lít (kg).

Nếu đúng như dự báo thì đây sẽ là lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng giá liên tiếp của mặt hàng xăng trong nước.

Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)