Gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường

08/08/2022 - 08:07

Nói đến Mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu mạnh khỏe của người Mường. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị nhân văn gắn liền đời sống tinh thần người dân xứ Mường bao đời nay. Song theo thời gian, cơ hội thực hành, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một, đòi hỏi cần sớm có những giải pháp để bảo tồn, phát huy.

Mo Mường hướng đến trở thành di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Mo Mường được ví như bách khoa toàn thư dân gian chứa đựng những tinh hoa văn hóa Mường. Theo nghệ nhân Bùi Hồng Nhi, Mo Mường được tổ tiên truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác và được sáng tạo không ngừng cùng tiến trình phát triển của đất nước. Quá trình diễn xướng Mo của người Mường là phương tiện giao tiếp bày tỏ lòng tôn kính đối với lực lượng siêu nhiên và tổ tiên, đồng thời là phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ, tri thức, tập quán xã hội người Mường; qua đó góp phần tích cực trong giáo dục, hình thành nhân cách con người và gìn giữ phong tục, tập quán.

Bàn về những giá trị văn hóa của Mo Mường, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng khẳng định: Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương và khí phách, cốt cách của con người, vùng đất bản Mường. Mo Mường tái hiện lịch sử loài người, phản ánh nhận thức của con người về sự ra đời của trời đất, sự phát triển của xã hội…; và đúc kết những bài học về đời sống cộng đồng như ý nghĩa của sự đoàn kết, văn hóa tổ chức lãnh đạo trong đấu tranh với thiên nhiên…

Bên cạnh đó, Mo Mường còn là chỉnh thể nguyên hợp bao hàm tất cả các yếu tố của văn hóa dân gian người Mường: Vừa là loại hình văn học dân gian; vừa là loại hình diễn xướng dân gian với âm nhạc, múa, sân khấu; đồng thời chuyển tải nội dung tín ngưỡng gắn với các nghi lễ dân gian, tri thức dân gian…

Tuy nhiên, nghệ nhân Bùi Huy Vọng nhận định: Từ sau năm 1945 đến nay, quá trình biến đổi của Mo Mường Hòa Bình nhìn chung diễn ra khá phức tạp theo những xu hướng khác nhau. Mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong Mo bị mai một trong khi một số quan niệm mê tín, hủ tục vẫn được bảo lưu và phục hồi. Tính chất phức tạp đó không chỉ bắt nguồn từ sự vận động nội tại của Mo Mường Hòa Bình mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về Mo trong tâm thức của người Mường với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống.

Cùng với đó, việc sân khấu hóa Mo, đưa vào Mo một số nội dung có tính chất hiện đại và trình diễn Mo bằng các thiết bị âm thanh, ánh sáng cũng làm nhạt đi tính biểu tượng, tính thiêng của nghi lễ Mo truyền thống. Thêm một nguyên nhân được nghệ nhân Bùi Hồng Nhi chỉ ra là: Dân tộc Mường không có hệ thống chữ viết, Mo Mường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền khẩu cho nên ngày càng ít người biết. Mo bị hiểu lệch lạc cả về nội dung và nghệ thuật diễn xướng trong tang lễ. Số lượng nghệ nhân Mo ngày càng giảm dần.

Từ thực trạng đáng báo động ấy, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chọn lựa Mo Mường là di sản cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Và để đáp ứng thêm những yêu cầu về mặt nội dung hồ sơ ghi danh, mới đây, Hội thảo khoa học “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay” đã được Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức, thu nhận về nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định: Trong số các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của người Mường, Mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội mà các hình thức khác không có, không thể thực hành được, đó là chức năng thực hành nghi lễ tang ma. Vì thế, nghiên cứu Mo Mường phải lấy Mo tang lễ làm điểm tựa, làm trọng tâm nghiên cứu. Từ đấy sẽ thấy được sự lan tỏa của nó sang các hình thức thực hành các nghi lễ Mo Mường khác như: Mo mát nhà, Mo mừng thọ, Mo cầu phúc... Với tầm quan trọng đó, cần tìm cách khôi phục Mo tang lễ, làm cho Mo tang lễ tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường.

Giữ được Mo tang lễ mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường, mới làm cho giá trị toàn vẹn của Mo Mường, trong đó có sử thi “Đẻ đất đẻ nước” sống thật, sống vững chắc trong đời sống người Mường hiện đại. Và như vậy mới có cơ sở chứng minh được giá trị văn học, tập quán xã hội, và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi danh.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm: Mo Mường đến nay đã được xác định là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường rất quan trọng. Các tỉnh, thành phố tham gia xây dựng hồ sơ cần tiến hành khảo sát, kiểm kê chính xác về những hoạt động thực hành Mo Mường, số nghệ nhân Mo Mường để từ đó có phương thức bảo tồn, phát huy một cách khoa học, bền vững.

Đồng thời, cần tập hợp nghệ nhân, tiến tới vận động thành lập các câu lạc bộ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường tại địa bàn các xã, huyện; nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ di sản Mo Mường, xem xét lập hồ sơ công nhận nghệ nhân ưu tú theo quy định. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa của Mo Mường để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội; lựa chọn, đưa một số nội dung trình diễn văn hóa Mo Mường vào các chương trình, sự kiện của tỉnh nhằm quảng bá sâu rộng về di sản văn hóa Mo Mường.

Theo ĐẮC LINH (Nhân Dân)