Rạn san hô Great Barrier ở đảo Orpheus, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Kết quả nghiên cứu của 38 nhà khoa học thuộc 29 trường đại học và cơ quan chính phủ Australia, công bố trên tạp chí Global Change Biology, cho thấy nhiều rạn san hô, sa mạc, đồng cỏ nhiệt đới, các tuyến đường thủy thuộc lưu vực Murray-Darling, rừng ngập mặn ở Vịnh Carpentaria, các khu rừng nhiệt đới ở cực Bắc Australia và các rừng cây lá kim Gondwana ở Tasmania đang ở trong tình trạng suy thoái. Danh sách các hệ sinh thái bị nguy hại còn bao gồm cả các lãnh nguyên cận Bắc cực trên đảo Macquarie (được xếp hạng Di sản thế giới) và các thảm rêu ở phía Đông Nam Cực.
Tác giả chính của nghiên cứu trên - Tiến sĩ Dana Bergstrom - cho biết 19 trong số 20 hệ sinh thái được điều tra đang trải qua những thay đổi môi trường khó khắc phục, bao gồm sự biến mất của các loài động thực vật và mất khả năng thực hiện các chức năng quan trọng như thụ phấn. Tuy chưa có hệ sinh thái nào trong số 19 hệ sinh thái trên bị suy thoái hoàn toàn trên phạm vi rộng, nhưng đã có bằng chứng cho thấy sự sụp đổ ở một số khu vực.
Báo cáo cho biết sự sụp đổ của các hệ sinh thái là do nhiều nguyên nhân xảy ra đồng thời. Một số nguyên nhân đã tồn tại từ rất lâu, chẳng hạn như nhiệt độ trung bình tăng do khủng hoảng khí hậu, mất môi trường sống và các loài xâm lấn. Các nguyên nhân ngắn hạn, cấp tính bao gồm sóng nhiệt, hỏa hoạn và bão, ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Giáo sư Euan Ritchie thuộc trường Đại học Deakin - một trong các tác giả của báo cáo trên - nêu ví dụ: các đồng cỏ nhiệt đới trên khắp miền Bắc Australia đã bị suy thoái do hỏa hoạn thường xuyên, gia súc và động vật hoang dã bị chăn thả quá mức, các loài xâm lấn bao gồm cỏ gamba, mèo hoang và cóc mía, và nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Hậu quả là các loài bản địa phổ biến một thời như chuột đuôi cọ đã trở nên hiếm hoi và chỉ còn tồn tại ở một vài nơi có môi trường sống tốt. Theo Giáo sư Ritchie, cải thiện việc phòng chống cháy rừng, kiểm soát động vật hoang dã và cỏ dại là những biện pháp dễ thực hiện để bảo vệ hệ sinh thái và các loài đặc trưng có giá trị kinh tế và văn hóa.
Các nghiên cứu chuyên sâu trước đây đã phát hiện nhiều di sản thiên nhiên của Australia đang ở trong tình trạng nguy hiểm, nhưng hầu hết không xem xét sâu những gì đang xảy ra trong từng hệ sinh thái. Trong báo cáo nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất một khuôn khổ mới để ngăn chặn các hệ sinh thái sụp đổ hoàn toàn, bao gồm các giải pháp cơ bản như tăng cường nhận thức về giá trị của hệ sinh thái, lập kế hoạch phòng ngừa rủi ro tốt hơn và hành động nhanh chóng để giảm thiểu rủi ro. Một ví dụ được nêu ra trong báo cáo là các khu rừng núi cao ở bang Victoria, nơi thường xuyên xảy ra các đám cháy đến nỗi cây rừng không có đủ thời gian để sản xuất ra hạt giống. Để cứu các khu rừng này, các nhà khoa học đã áp dụng biện pháp trồng các loài cây lai có thể thích nghi tốt hơn trong các điều kiện thay đổi.
Giáo sư Bergstrom nhấn mạnh việc bảo vệ các hệ sinh thái mang tính biểu tượng quốc gia này không chỉ nhằm bảo vệ các loài động vật và thực vật sống ở đó, mà còn để bảo vệ sinh kế của người dân và trên hết là sự sống còn của loài người, vốn có mối liên hệ mật thiết với thế giới tự nhiên.
Theo NGUYỄN MINH (Báo Tin Tức)