Giới trẻ cần “học ăn, học nói”

14/12/2022 - 07:01

 - Loạn ngôn từ trên mạng xã hội, lệch lạc cách xưng hô, chưa đảm bảo lễ phép, lễ nghi với người lớn tuổi, nói chuyện “sốc” trong giao tiếp… là những vấn nạn thường gặp trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nếu các bạn trẻ chỉ lo học hỏi kiến thức mà không vun bồi đạo đức cơ bản, kỹ năng giao tiếp, học cách ăn cách nói lịch sự, nhã nhặn, sẽ rất khó thành công trong xã hội văn minh, tiến bộ.

Trẻ em cần được hướng dẫn, giáo dục ngôn từ nhiều hơn từ gia đình

Câu chuyện “tẩy chay”, “phong sát” của cộng đồng dành cho “TikToker Nờ Ô Nô” thời gian qua đã tạm lắng, khi chính bản thân người trong cuộc chính thức lên tiếng và mong cộng đồng cho cơ hội sửa sai. Thế nhưng, bài học về cách ăn nói, cư xử của Nờ Ô Nô đáng cho mọi người suy ngẫm. Là TikTok nổi tiếng với 600.000 lượt người theo dõi nhờ những video quảng cáo, đánh giá món ăn tại nhà hàng, quán cà-phê, cửa hàng thời trang, Nờ Ô Nô được người xem yêu thích và các nhãn hàng thường xuyên đặt lịch “review”. Để tăng lượt tương tác, Nờ Ô Nô sáng tạo thêm nội dung bẩn, như: Đập phá quán ăn, hất đồ ăn lên người nhân viên, chửi mắng nhân viên…

Đỉnh điểm cho phong cách thô thiển của mình, TikToker này làm clip mang bữa ăn đến người nghèo lang thang đường phố, nhưng lại dùng lời lẽ miệt thị xúc phạm. Ngay sau đó, cộng đồng đã lên tiếng không xem những gì TikToker này làm, không đến cửa hàng, sử dụng thương hiệu do Nờ Ô Nô đánh giá trước đó. Cơ quan chức năng xử phạt TikToker này 7,5 triệu đồng vì đăng tải loạt video có nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, gây bức xúc dư luận xã hội.

Qua vụ việc, cả cộng đồng mạng đều nhận ra rằng, một người nổi tiếng, sống trong cộng đồng thật và cả trên cộng đồng ảo nếu không có phẩm chất đạo đức, không có lời ăn tiếng nói chuẩn mực (nhất là đối với người lớn tuổi, người nghèo khó), không có cái tâm trong chuyên môn… sẽ không xứng đáng có được lòng tin yêu của cộng đồng. Nếu như trước đây, cá nhân đó sai lầm thì chỉ cần một lời xin lỗi là xong. Nhưng với người có sức ảnh hưởng lớn, hệ lụy của nó không nhỏ.

“Lang thang” trên TikTok, tôi thấy một số học sinh tiếp tục bắt chước lời lẽ thô thiển trên khi nói chuyện với người lớn hơn mình. Và cả trong đời thật, giới trẻ đều có những câu cửa miệng, như: “Hello bà già/ông già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “bất ngờ chưa bà già”, “sao hay ra dẻ”… Đó là sản phẩm viral (sự lan tỏa) nổi tiếng từ trên mạng cho đến đời thật, đang từng ngày từng giờ ảnh hưởng đến cách ăn nói, giao tiếp ứng xử của giới trẻ hiện nay.

Ông bà ta dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Điều căn bản nhất để làm người trước tiên là học cách ăn trong gia đình, cách ăn khi giao tiếp xã hội rồi đến cách học nói với những ngôn từ “dạ thưa” đầu tiên khi nói chuyện với người lớn tuổi. Phải biết chào hỏi, lễ phép, dùng từ ngữ thăm hỏi, ân cần tôn kính với ông bà, cha mẹ, anh chị trong gia đình, thầy cô, hay bất cứ người nào lớn hơn mình. Thế nhưng, trong thực tế, điều căn bản ấy đôi khi bị xem nhẹ. Nhìn trẻ mải mê chơi điện thoại rồi nói chuyện với ông bà, cha mẹ như “ăn cơm”, “chở đi ăn gà rán”, “không chịu”, “không đi học”, vậy mà ông bà, cha mẹ không sửa ngay, vẫn đáp ứng theo nhu cầu của các bé.

Cộng thêm những ngôn từ chửi nhau, miệt thị nhau trên YouTube, trên mạng xã hội ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng đến cách ăn nói của giới trẻ. Cùng với đó là sự tiện ích Livestream trên mạng xã hội, nên những người cùng bán hàng trực tuyến, người làm ăn chung đấu tố nhau, livestream chửi nhau ngày càng nhiều, với lời lẽ dung tục. Vô hình chung, trẻ em tưởng rằng dùng lời lẽ đó là hay, có thể lấn át được đối phương. Bao nhiêu câu chuyện về bạo lực học đường, đánh hội đồng bạn học cùng lớp, giữa các hội nhóm đều xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, do sử dụng ngôn từ miệt thị nhau.

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (giảng viên ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học An Giang) cho biết: “Chúng ta đang nỗ lực dạy con trẻ trở thành con ngoan, trò giỏi, mà lại bỏ quên một góc xã hội cũng đang dạy con mình. Đó chính là mạng xã hội. Tôi không biết Nờ Ô Nô là ai, làm gì, nhưng khi bạn bè bàn tán, cô con gái 8 tuổi của tôi giải thích. Hiểu ra chuyện, tôi phải giải thích lại cho con và không cho con bắt chước. Chính tôi nhận ra rằng, mỗi gia đình cần hết sức quan tâm con trẻ, giáo dục con thành nền nếp, dạy cho con từng lời ăn tiếng nói, cách chào hỏi, giao tiếp với ông bà, cha mẹ, thầy cô và người lớn tuổi. Cha mẹ phải quan tâm hơn các môi trường mà con tiếp xúc (môi trường trong gia đình, môi trường sống xung quanh và cả môi trường mạng). Có nên cho con xem mạng không, nếu xem thì kiểm soát, giáo dục ở mức độ nào để con không bị tác động và ảnh hưởng xấu, điều đó tùy thuộc vào sự cân nhắc của mỗi gia đình”.

NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích