Góp việc tử tế, trao niềm lạc quan

09/11/2021 - 16:32

 - Ròng rã những ngày trải qua dịch bệnh, giữa những lo toan, khó khăn bộn bề của cuộc sống, hình ảnh bao trùm vẫn là một xã hội đùm bọc, yêu thương lẫn nhau. Mỗi người một hành động, một cách làm, dù ít hay nhiều nhưng đã truyền cảm hứng đến từng cá nhân, tổ chức lan tỏa những hành động tử tế mang lại sự ấm áp cho những người xung quanh và niềm vui cho bản thân.

Hỗ trợ người dân khó khăn ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bằng những nghĩa cử tử tế từ cộng đồng

Ngược xuôi chuyến xe nghĩa tình

Ngoài các hoạt động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương, đội xe từ thiện của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) còn tình nguyện chở các F0 đến nơi điều trị và đưa những người đã điều trị khỏi về sum họp với gia đình. Hiện tại, đội gồm 3 xe từ thiện, trong đó 1 xe của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH và 2 xe của Ban Trị sự PGHH xã Long Điền B. Theo túc trực nhiệm vụ này xuyên suốt 24/24 giờ hàng ngày có 4 tài xế. Trưởng ban Trị sự PGHH xã Long Điền B Nguyễn Thanh Hoài thông tin, từ ngày bùng phát dịch bệnh COVID-19 đến nay, có chuyến xe chở từ 5 - 10 ca bệnh, có chuyến đến 28 ca. Để đảm bảo an toàn tốt nhất, tài xế được trang bị đồ bảo hộ, tập huấn công tác phòng, chống dịch đầy đủ. Họ nguyện đồng hành, tình nguyện đóng góp sức người, sức của góp phần cùng chính quyền địa phương và đồng bào, đồng đạo vượt qua mọi khó khăn. Không kể ngày đêm hay điều kiện thời tiết, chỉ cần nhận cuộc gọi, các tài xế hối hả lên đường. Đối mặt với công việc đặc thù luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng các “bác tài” lúc nào cũng lạc quan, tươi cười, không ngừng động viên tinh thần bệnh nhân.

Từ khi xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới) tiếp nhận người dân về quê từ các tỉnh, thành phố, Hội Chữ thập đỏ xã đã phối hợp với chính quyền địa phương vận hành 10 điểm cách ly theo quy định chống dịch. Cùng với đó, thành viên của hội hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch vận động gạo, rau củ để đảm bảo nguồn thực phẩm cho các bếp ăn phục vụ tại khu cách ly. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nhơn Mỹ Nguyễn Văn Thông cho biết, mỗi ngày có đội lái xe duy trì liên tục 3 chuyến để chở cơm cung cấp cho người dân tại điểm tập trung. Kế đến là sau thời gian hoàn thành cách ly, nơi nào vận động hoặc có rau quả, lương thực, đội xe tiếp tục đến thu góp, phân phối cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tổ chức thành “Chuyến xe 0 đồng” di chuyển đến các địa bàn cần thiết. Công việc “luôn tay luôn chân” nhưng ai nấy đều cố gắng để bà con có thể no lòng, an tâm không thiếu đói.

Mỗi người mỗi cách làm

Khi việc điều trị bệnh COVID-19 được khuyến khích kết hợp với hỗ trợ của đông y, nhiệm vụ bào chế thuốc y học cổ truyền được các lương y vào cuộc nghiên cứu. Từ ngày 18-8 đến nay, chùa Bửu Lâm (thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân) đã bào chế hơn 100.000 thang thuốc xông, gửi tặng các xã trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện, TX. Tân Châu và các tỉnh lân cận. Với các nguyên liệu: lá sả, lá chanh, lá ổi, lá bưởi, lá khuynh diệp, vỏ bưởi, vỏ quýt, vỏ chanh… kết hợp với các loại lá tươi khi sử dụng xông. Bài thuốc được hướng dẫn cụ thể cho người dân, mang tính hỗ trợ trong bảo vệ sức khỏe. Còn Hội Đông y xã Châu Phong (TX. Tân Châu) bào chế hơn 20.000 thang thuốc với nguyên liệu gừng, bồ bồ, tía tô, lá chanh, lá chúc… trao tặng người dân vùng cách ly trong và ngoài tỉnh. Góp công trong việc ý nghĩa này, còn có lực lượng đi sưu tầm thuốc ở hầu hết các xã kết hợp chặt phơi, bào chế, đóng gói. Ông Nguyễn Văn Tre (xã Phú Thành, huyện Phú Tân) cho biết, ngoài sưu tầm trong tự nhiên, các tổ thuốc nam tận dụng đất của người dân tặng tổ từ thiện chuyên trồng dược liệu, ưu tiên các loại cây cần thiết bào chế thang thuốc từ nghiên cứu của các lương y.

Dù đóng góp bằng vật chất hay tiền bạc, số lượng ít hay nhiều, nhiều nhà hảo tâm chọn cách thầm lặng cho đi. Thông qua các đoàn thể, địa phương, họ được giới thiệu là nhà hảo tâm ở một huyện, thành phố. Có người tỏ ra e ngại: “Thôi, hỗ trợ được bao nhiêu mà nêu tên”. Cũng có người bình thản: “Phát tâm giúp bà con chứ không cần danh hiệu, ngoài kia biết bao nhiêu người còn làm nhiều hơn mình”. Quan niệm mỗi người mỗi khác, nhưng họ cùng chung một mục đích “nhường cơm, sẻ áo” với nhân dân trong lúc khó khăn. Nhờ sự minh bạch, công khai trong việc làm "cầu nối" tiếp nhận và trao hỗ trợ từ nhà hảo tâm đến người khó khăn, bà Lê Thị Kim Linh (Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân) đã quen với nhiều trường hợp như thế.

“Một nhà hảo tâm ở thị trấn Phú Mỹ”, “một cán bộ Huyện ủy”, “một tiểu thương chợ Mỹ Lương”, “các chị phụ nữ xã Phú Xuân”… là những cách gọi để người được trao tặng vẫn biết và tri ân người giúp đỡ mình. Những phần quà có thể là tiền mặt giá trị rất lớn, hàng tấn gạo, hay chỉ đơn sơ là 10 đòn bánh tét, 100 ổ bánh mì, rau củ, trứng vịt… gom góp từ vườn nhà.

Đánh thức và lan tỏa sự tử tế trong mỗi người, không gì tốt hơn bằng những tấm gương người thật, việc thật. Sự kết nối về tình người đã góp phần thắp sáng niềm tin về tấm lòng nhân ái và những điều tốt đẹp vẫn hiện diện trong cuộc sống. Trong dịch bệnh khó khăn, mọi người vẫn có thể trao nhau nụ cười với những câu chuyện đẹp, rất đỗi tử tế từ những việc làm nhỏ trong đời thường.

MỸ HẠNH