Góp ý quy định về dạy thêm, học thêm: Còn nhiều vấn đề lo ngại

10/09/2024 - 14:04

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong dư luận.

Những điểm mới trong dự thảo đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà trường, giáo viên, phụ huynh, trong đó, còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc “mở đường” cho tình trạng dạy thêm, học thêm gia tăng, gây áp lực cho học sinh.

Chú thích ảnh

Giờ học tại trường THCS Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh tư liệu - minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Cấm hiện tượng tiêu cực - không cấm nhu cầu thực

Thông tin về việc xây dựng Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường dự thảo đang xin ý kiến hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch; cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học.

Dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, dự thảo cũng thêm vào nguyên tắc “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay, học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.

Việc giám sát dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương, còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh, phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, yêu cầu quan trọng nhất là phải công khai trước khi tổ chức. Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành những nguyên tắc như vậy, địa phương quản lý phải căn cứ vào đó, làm sao để giải quyết được tận gốc vấn đề ép học sinh học thêm dù không muốn.

Trên thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực và chính đáng. Với không ít học sinh, việc học chương trình chính khóa trên lớp chưa đủ so với nhu cầu kiến thức hoặc một số em khả năng tiếp thu chưa theo kịp với nội dung kiến thức được giảng dạy trên lớp, cần được học bổ trợ, tăng cường.

Đề xuất một số giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện để hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Khung pháp lý về dạy thêm cần được xây dựng với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của học sinh, tạo ra một môi trường học tập công bằng - nơi tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận kiến thức, không phân biệt giàu nghèo. Việc học thêm không nên trở thành gánh nặng tài chính cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không nên gây áp lực quá lớn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của các em.

Hoạt động dạy thêm nên ưu tiên dành cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập, cần được hỗ trợ để theo kịp chương trình chung của lớp. Việc bồi dưỡng cho các em là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, không phải là một hình thức học tập bắt buộc.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh vai trò giám sát, công khai thông tin, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ phụ huynh và học sinh là những biện pháp cần thiết để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên vi phạm quy định, đặc biệt là hành vi ép buộc học sinh, là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các em.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc cấm dạy thêm hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: chất lượng giáo dục giảm sút, tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra âm thầm nhưng không được kiểm soát. Thay vào đó, nên tìm cách quản lý và điều chỉnh để hoạt động này diễn ra lành mạnh.

Bên cạnh đó, hiện nay, chương trình học đôi khi không bám sát với thực tế cùng với áp lực thành tích đã khiến nhiều giáo viên phải tìm cách “khoe tài”' bằng những bài giảng nâng cao hoặc các bài kiểm tra khó. Điều này vô tình tạo ra một môi trường học tập căng thẳng và gây khó khăn cho học sinh, đặc biệt là những em có nền tảng yếu. Nếu các em không đi học thêm, đề thi, đề kiểm tra, đánh giá khó có thể đạt được điểm cao. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần chuẩn hóa chương trình học và đề thi, đảm bảo tính nhất quán giữa quá trình dạy - học với việc kiểm tra, đánh giá. Để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định rõ ràng, kiến thức trong đề thi phải hoàn toàn nằm trong phạm vi chương trình học chính khóa, từ kiến thức cơ bản đến kiến thức nâng cao.

Không tổ chức dạy thêm, học thêm đồng loạt đại trà

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc sửa đổi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm cần bám sát hoạt động thực tế hiện nay, cũng như những quy định mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ “phải chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học”. Điều này có nghĩa là, dạy học là dạy phát triển năng lực học sinh chứ không phải bồi đắp thật nhiều kiến thức sách vở cho học sinh như quan niệm cũ.

Việc đưa ra các nguyên tắc trong Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm rất quan trọng, không những định hướng các giải pháp tổ chức, quản lý vấn đề này, còn ảnh hưởng lớn tới sự thành công của mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, các nguyên tắc đề cập tới việc tự nguyện, không ép buộc, thời lượng, thời gian, địa điểm, không quá tải hay không cắt giảm nội dung và dạy trước nội dung chính khóa… là rất thực tiễn và cấp bách.

Tuy nhiên, ông Đặng Tự Ân cũng nhấn mạnh, cần có giải pháp quản lý việc dạy thêm, học thêm khả thi đi kèm, tránh đưa ra nguyên tắc nhưng khó thực hiện hoặc có hiệu quả thấp khi triển khai. Điểm mới của dự thảo Thông tư là tổ chức dạy thêm, học thêm thông thoáng hơn, không bó buộc như Thông tư 17. Ví dụ như, giáo viên được dạy thêm ở ngay trường mình và học sinh được học chính thầy cô mình đang dạy chính khóa. Chính những điểm mới này khiến ông Đặng Tự Ân thấy băn khoăn, lo ngại. Bởi, nhà trường có thể có hai chương trình dạy học: chính khóa và dạy thêm cùng tồn tại. Một chương trình chính khóa, người dạy hưởng lương của Nhà nước và một chương trình dạy thêm có phí do cha mẹ các em đóng góp. Như vậy, dạy thêm, học thêm đã được hợp lý hóa chính thức trong các cơ sở giáo dục. Điều này, khiến mong ước về “trường học hạnh phúc” chắc chắn sẽ còn rất xa.

Theo ông Đặng Tự Ân, dạy thêm học thêm chỉ đi đúng hướng khi nhà trường có trách nhiệm giúp một bộ phận học sinh có trình độ kiến thức dưới chuẩn, nâng lên đạt chuẩn về yêu cầu cơ bản. Mức phí có thể không thu hoặc thu một phần bồi dưỡng cho thầy cô dạy. Như vậy, không thể tổ chức dạy thêm, học thêm đồng loạt đại trà như tổ chức dạy học chính khóa.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, cần làm rõ hơn tác hại của dạy thêm, học thêm, trong đó có việc gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho gia đình, mâu thuẫn với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là bảo đảm giáo dục toàn diện. Trên thực tế, dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu chạy theo việc trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phải có các giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức của cả thầy, trò và phụ huynh về vấn đề dạy thêm, học thêm. Trong đó, các bậc cha mẹ cần nhìn thấy tác hại của việc cho con học thêm quá nhiều. Muốn giáo dục có chất lượng, cần thoát khỏi tình trạng nhồi nhét kiến thức. Bên cạnh đó, tư duy học thêm vì điểm số cũng cần được loại bỏ. Trong quy định về dạy thêm, học thêm, nên dứt khoát cấm dạy thêm ở bậc Tiểu học và có các biện pháp hạn chế ở bậc Trung học. Với học sinh Tiểu học cần thêm các hoạt động rèn kỹ năng hơn là nhồi nhét kiến thức ngoài những nội dung đã học ở trường.

Khi tiếp cận những quy định mới trong dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn với một số quy định có phần “thoáng” hơn trước đây. Những ràng buộc về pháp lý được thể hiện trong nhiều quy định tại dự thảo nhưng trên thực tế lại rất dễ thực hiện, đối phó nên chưa tạo được sự yên tâm cho phụ huynh. Vì vậy, dư luận xã hội đang trông chờ một văn bản mới chặt chẽ hơn, quản lý vấn đề này một cách bài bản hơn, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.

Theo TTXVN