Trong cuộc đàm phán quân sự liên Triều cấp tướng lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 14-6 dù không thể đi tới một thỏa thuận cụ thể, song cũng đạt được sự nhất trí chung nhằm giảm căng thẳng.
Làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Flickr
Đây là một sự kiện đáng chú ý khi diễn ra chỉ 2 ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như thông báo bất ngờ của người đứng đầu nước Mỹ tạm dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Cuộc đàm phán quân sự liên Triều cấp tướng lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm là kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4 vừa qua giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, với cam kết giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như chấm dứt “mọi hành động thù địch”.
Phái đoàn Hàn Quốc gồm 5 thành viên do Thiếu tướng Kim Do-gyn dẫn đầu, trong khi phía Triều Tiên, Trung tướng An Ik-san dẫn đầu phái đoàn với số lượng tương tự. Thông cáo chung sau cuộc thảo luận nêu rõ, hai phái đoàn đã nhất trí thực thi thỏa thuận ký năm 2004, theo đó quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên cam kết tránh mọi sự cố trên Hoàng Hải.
Hai nước cũng nhất trí khôi phục hoàn toàn các đường dây liên lạc quân sự giữa hai nước. Đây được coi là một chìa khóa quan trọng trong nỗ lực gây dựng niềm tin giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và trên thực tế, trong năm nay, hai nước cũng đã khôi phục một phần đường dây quân sự này ở khu vực phía Tây, song đường dây ở khu vực phía Đông vẫn bị đóng từ tháng 5/2011.
Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề thiết lập đường dây nóng giữa các chỉ huy quân sự hàng đầu, cũng như việc tổ chức những cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng Quốc phòng, vốn bị ngưng trệ từ tháng 11/2007, trái ngược với những kỳ vọng trước đó, hai bên dường như đã không thể đi tới một lộ trình cụ thể.
Trước khi rời Seoul để tới khu vực phi quân sự với Triều Tiên, tướng Kim Do-gyn tuyên bố với báo chí rằng, ông sẽ thảo luận với phía Triều Tiên về chương trình của một cuộc họp cấp Bộ trưởng. Tuy nhiên, vấn đề lại không được nhắc tới trong thông cáo chung.
Cần phải nhắc lại, ban đầu, những cuộc đàm phán cấp tướng này được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 5 theo Tuyên bố Bàn Môn Điếm, song đã bị hoãn, do Triều Tiên phản đối cuộc tập trận không quân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trước những diễn biến mới trong quan hệ liên Triều, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã ra tuyên bố hoan nghênh những nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm giảm căng thẳng.
“Trung Quốc hy vọng và ủng hộ Hàn Quốc và Triều Tiên thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được. Theo đó, thúc đẩy các cuộc tham vấn tiếp theo, củng cố và mở rộng hơn nữa những kết quả đạt được, cũng như biến giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên thành một tiến trình bền vững và không thể đảo ngược”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.
Có thể nói, sau nhiều năm căng thẳng, thậm chí có lúc tưởng chừng như ở bên bờ vực chiến tranh, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua đã chứng kiến những bước chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là sau các Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều vừa qua.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã cam kết không gây chiến tranh, cùng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn và vững chắc, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên… Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, hai nước nói đến “thống nhất”, “hòa giải” hay “hòa bình”, mà đã từng xuất hiện ngay từ năm 1972 trong một tuyên bố chung dưới thời cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, hiện nay hy vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đang lớn hơn bao giờ hết.
Bản thân việc Hàn Quốc và Triều Tiên có thể tổ chức cuộc hội đàm quân sự đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, cũng như việc hai bên có thể nhất trí khôi phục hoàn toàn các đường dây liên lạc quân sự, đã là một thành công. Bởi theo như tướng Kim Do-gyn, với những mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ, một cuộc họp duy nhất sẽ không thể giải quyết hết được mọi vấn đề. Còn theo các nhà phân tích, những bước đi nhỏ, nhưng thận trọng, là cần thiết nhằm xây dựng một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên./.
Theo THU HOÀI (VOV)