Hàng quê mộc mạc, "chính hiệu" nhà trồng!

03/12/2020 - 04:46

 - “Lựa đi em, trái cây “chính hiệu” nhà trồng đó! Bao ngon, bao ngọt, ăn ngon thì lần sau đi ngang đây nhớ ghé ủng hộ chị nghen!” – lời chào mời khách ở những gian hàng “nhà trồng” ven 2 bên đường trên tuyến Tỉnh lộ 943 (TP. Long Xuyên – Thoại Sơn) nghe mà mát lòng. Từ tò mò, dừng xe lại xem các gian hàng bán gì, bạn sẽ không ngần ngại móc “hầu bao” mua những món quà quê “nhà trồng” ấy. Không chỉ vì trái cây đó xanh tươi, mà còn là bởi sự nhiệt tình, dễ mến của chị em miệt vườn.

Có dịp ngang qua những cung đường Tỉnh lộ 943, 941… của An Giang, hình ảnh những gian hàng quê với thế mạnh trồng gì bán nấy ven 2 bên đường hẳn sẽ thu hút khá nhiều người. Trái cây nhà trồng ấy dễ nhận diện ở chỗ, hễ thấy sạp nào bày bán trái gì, khỏi hỏi cũng đoán ngay rằng, chủ nhà đang trồng nó.

Ở quê mà, các mẹ, các chị đảm đang tranh thủ hái vài trái đu đủ mỏ vịt, những chùm me dốt bột, đôi ba trái bình bát, hai ba buồng chuối già, chuối xiêm vừa chín tới hay đơn giản chỉ là mớ rau muống sau đồng… vậy là đã phong phú hẳn cho sạp trái cây vườn nhà của mình.

Nói đơn giản, dễ hình dung hơn thì, bà con ở quê hay mang con cá, cọng rau, trái cây vườn nhà ra để bán, lâu dần… thành nghề. Ban đầu chỉ mong kiếm thêm vài đồng để đỡ tiền cá mắm nhưng lâu dần lại thành cái nghề lúc nông nhàn, giúp các bà, các chị kiếm thêm nguồn thu nhập phụ sinh kế gia đình.

Đặc sản quê... nhà trồng

Nét dân dã từ cách bày trí, hàng hóa đến sự chân chất của người bán đã trở thành đặc trưng, dẫu đơn sơ nhưng rất hấp dẫn với những khách vãng lai, du khách khi đến với những cung đường có bày bán gian hàng quê ấy. Nhất là kiểu mua bán thiệt tình, chào mời dễ thương: “Mua gì quẹo lựa tự nhiên chị, em ơi! Trái cây mới hái không hà, ngon lắm!” đã khiến những sạp hàng ven đường có sức hút đến lạ.

Mà sạp quê ấy cũng mộc mạc, đơn giản như chính sự bình dị, gần gũi của bà con ở đấy vậy. Không cầu kỳ trong cách trang trí, chẳng nề hà đẹp xấu, chủ yếu là những thanh tre đâu chặt vào nhau, được dựng thêm 4 chân, phía trên thì được che mát bởi tấm bạt sờn màu.

Bán gì thì cứ nhẹ nhàng đặt lên cái sạp ấy, chẳng cần đèn hoa thu hút, thế mà vẫn tấp nập khách “quẹo lựa”. Quá chiều, khi người bán dọn hàng vào nhà, những sạp hàng ấy vẫn “cố thủ” trước cửa nhà, không sợ bị ai lấy đâu. Cứ thế nắng mưa hai mùa, sạp hoa quả ven những con đường quê đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương trong mắt nhiều người.

“Ngó sen (40.000 đồng/kg), ổi lê (12.000 đồng/kg) ở đây đều của nhà chị trồng hết đó, em yên tâm, không phân, thuốc gì đâu. Ngó sen để ngon, chị hái vừa bán trong ngày, không để qua hôm sau nên ngó sen vẫn giữ nguyên độ ngọt, giòn khi chế biến. Còn ổi trông xấu xí vậy chứ thơm ngọt lắm, ăn thử một lần là lần sau lại kiếm mua nữa đó nha!” - chị Thương (ngụ xã Định Thành, Thoại Sơn) giới thiệu những món ngon “nhà trồng” của mình.

Chị Thương chia sẻ, chỉ hái cây trái bán trước cửa nhà thôi. Để kiếm thêm ít tiền, chị bày 2 sạp trái cây ở 2 bên đường để tiện cho khách mua. Có ngày, đang bán khách bên đây thì khách bên kia í ới gọi, làm chị trở tay không kịp chứ chẳng phải đùa. Giá thì tương đối “thuận mua vừa bán” nên hầu như ghé những sạp quê này, khách rất ít trả giá.

Nhiều khách hàng bảo nhau, giá này rẻ lắm, dễ gì mua được ở các chợ lớn với giá vậy! Nhiều du khách ghé vào các sạp quê ấy, mua lỉnh kỉnh từ trái bầu, trái mướp, mớ rau tập tàng, bông súng hay con khô cá lóc… tất cả đều được làm, hái từ vườn nhà, tươi roi rói. Nét dân dã, mộc mạc, chân chất trong buôn bán của bà con đôi khi lại “tiềm ẩn” một sản phẩm du lịch độc đáo chứ không đơn thuần là chuyện mua và bán.

Nghề buôn bán ven đường không dễ, nhất là ở những tuyến đường vắng nhà, bà con phải che chắn tạm bợ, dãi nắng dầm mưa. Hầu hết những người buôn bán ở đây đều là người già, phụ nữ, chọn cách này để phụ giúp gia đình. Dẫu vậy, mọi người vẫn luôn nở nụ cười lạc quan mỗi khi khách ghé đến.

“Kiếm thêm thu nhập với vườn sau nhà, vừa tranh thủ thời gian chăm cháu nhỏ, mở sạp trước nhà với tôi là rất thuận tiện. Mỗi ngày cũng kiếm được  100.000-200.000 đồng”- bà Lành (55 tuổi, ngụ xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) chia sẻ.

Còn với bà Ngô Thị Hai (xã Định Thành, Thoại Sơn), vừa bỏ mối bạn hàng, vừa bán trái cà na Thái trước sân nhà cũng giúp bà kiếm thêm thu nhập khấm khá. Gia đình bà sở hữu 5 công cà na Thái, bà không ngại bày tỏ đây là loại cây “hái ra tiền” và là cây trồng chủ lực của gia đình. Đặc biệt, cây cà na Thái cho trái quanh năm, cứ luân phiên bẻ hết cây này đến cây khác nên hầu như ngày nào cũng có trái để bán. Ngày thường, giá cà na Thái từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Mua để ăn hay làm quà quê tặng bạn bè với những quà quê như thế, nghe có vẻ chân chất nhưng lại quý ở tấm lòng! Chẳng thế mà bao bận nghe tôi đi công tác là vài người bạn lại nhờ mua dùm trái cây ở các sạp quê ven đường ấy. Vừa ngon, vừa rẻ... mấy ai lại không thích!

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN