Hàng trăm người may áo dâng Bà Chúa Xứ

22/05/2024 - 14:16

 - Không ai hẹn ai, cứ đến ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm, người dân xa gần tụ họp về miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), thực hiện nghi thức may áo dâng Bà, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, nhưng vẫn rất trật tự, tôn nghiêm.

Từ 6 giờ, ngày 22/5/2024, gần 500 người tập trung trong khuôn viên Miếu Bà, bắt đầu cặm cụi với kéo, vải, kim, chỉ. Họ đến từ khắp nơi trong cả nước, lặn lội đường xa, mang theo lòng thành kính Thánh Mẫu, nguyện dâng lên Bà chiếc áo đẹp nhất, tâm huyết nhất.

Truyền thuyết kể rằng, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch, phải nhờ 9 cô gái đồng trinh mới đưa Bà xuống núi được. Quá trình lập miếu thờ, người dân đã may áo cho Bà. Dần dần, phong tục dâng áo cúng Bà được lưu truyền rộng rãi.

Theo thông lệ, mỗi tháng Bà được thay 8 chiếc áo, tức là cần 96 chiếc áo cho cả năm. Vì thế, trước khi bắt đầu Lễ Vía Bà Chúa Xứ (22/4 âm lịch), “đại lễ may áo dâng Bà” được diễn ra, khởi đầu cho chuỗi lễ hội liên quan.

Mọi người ngầm hiểu với nhau, áo dâng Bà Chúa Xứ phải là vải gấm cao cấp, hoặc phi bóng mềm mại. Tất cả đều là màu sáng, sặc sỡ (đỏ, xanh, vàng, hồng…), tuyệt đối không được dâng áo màu đen, trắng, cau khô.

Mỗi người mỗi việc (hầu hết là phụ nữ), nên dù đông, nhưng ai nấy tập trung, hỗ trợ nhau hết sức. Để có được 96 chiếc áo, tất cả may miệt mài từ sáng đến chiều tối. Đặc biệt, từng đường kim mũi chỉ đều được may bằng tay, không sử dụng máy móc.

Người xưa kể lại, số lượng lớn trang phục này nếu được may bằng máy sẽ nhanh hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, khi xin keo khấn vái Bà, Bà lại không đồng ý. Vì vậy, những chiếc áo dâng Bà vẫn tiếp tục được may thủ công suốt mấy mươi năm nay.

Mỗi chiếc áo có khổ 1,6m, theo thời gian tăng dần lên bề ngang 6m, 7m, đến năm nay tròn 8m. Một chiếc áo cũ được trải ra “đo ni”, để cắt may chiếc áo mới.

Đây là trang phục mặc bên trong, nên khá đơn giản, chỉ có cổ áo, tay áo và dây gút. Còn bên ngoài sẽ là nhung y (ngang 1,8m, dài 2m), đính đá, tạo hình rồng, phụng rất lộng lẫy.

Chiếc áo rất to, cần nhiều người phụ nhau trong khâu cắt vải, đo ni, may, xếp áo. Người cũ truyền kinh nghiệm cho người mới. Ai khéo tay may vá thì đảm nhận việc may thân áo, cẩn thận từng chút để đường may thật thẳng, thật đẹp.

Bà Quách Minh Hương (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) năm nay tròn 90 tuổi, nhưng vẫn “chừa sức” lặn lội về TP. Châu Đốc may áo Bà. “Tôi tham gia hoạt động này từ trước năm 1975. Dần dần, các con, cháu cùng tham gia. Hôm nay, 9 người trong gia đình tôi cùng thuê xe, đến Miếu Bà thật sớm, cố gắng may xong 2 chiếc áo dâng Bà. Vải, kim, chỉ đều do chúng tôi mua sẵn. Mỗi khi may áo, chúng tôi cảm thấy vui, nhẹ nhõm trong lòng” – bà Hương chia sẻ.

Không rành may vá, vẫn có thể tham gia vào công đoạn may dây áo. Bà Tư (68 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) cho biết, không còn bận rộn việc nhà nữa, 2 năm nay bà dành thời gian đi may áo dâng Bà, cầu mong được mạnh giỏi, đủ sức khỏe làm công quả tại Miếu. Mắt hơi mờ, bà chịu khó đeo kiếng, may từng đoạn dây áo đã được người khác cắt sẵn.

Không thể vắt sổ, se lai bằng máy móc, mọi người phải chú ý từng đường cắt, tỉa để mảnh vải gọn gàng, may lại chắc chắn, thẳng thớm.

Những chiếc áo được may bằng tất cả tấm lòng thành kính, bằng công sức tỉ mẩn của hàng trăm “thợ” chuyên lẫn không chuyên.

Bà Trần Diệu Thiện (áo đỏ) gần 70 tuổi, nhưng đã có thâm niên 38 năm tham gia tổ tắm Bà, thay áo Bà, là người gắn bó lâu nhất đến thời điểm này. Bà cho biết, lúc trước, chỉ có vài chục người tham gia may áo, dần dần lên 400 – 500 người. Trước đại lễ may áo, ai nấy chuẩn bị dụng cụ, vải vóc, nôn nao đến ngày thực hiện.

Một chiếc áo màu sắc tươi sáng được hoàn thành. Tuy giản đơn, nhưng lại chất chứa tín ngưỡng dân gian sâu sắc, lưu truyền nhiều thế hệ…

GIA KHÁNH