Hấp dẫn bánh Bà Lai

31/07/2023 - 05:30

 - Dự tính làm để thử sức, nhưng những mẻ bánh Bà Lai do chị Quách Kim Hồng (sinh năm 1977, ngụ ấp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) làm ra được rất nhiều người ưa thích. Người này giới thiệu người kia, rồi nhiều người hỏi mua. Chị Kim Hồng quyết định bán món bánh vừa lạ miệng, vừa lạ mắt này, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ở xã Bình Thành, chị Kim Hồng là người duy nhất làm món bánh Bà Lai độc đáo ấy. Theo chị Kim Hồng, bánh Bà Lai là đặc sản của vùng đất Phan Thiết và có xuất xứ từ Malaysia. Người ta đọc trại từ “Ma-lay” thành Bà Lai.

Vậy là, món bánh Bà Lai góp mặt trong muôn vàn món bánh dân gian Việt Nam, với sự hòa quyện của đa dạng nguyên liệu. Về cơ bản, món bánh này gồm nhiều lớp, mỗi lớp là một màu sắc khác nhau, nên có vẻ ngoài rất hấp dẫn. Bánh Bà Lai làm bằng bột gạo, nên vừa dai, vừa mềm, độ đàn hồi tốt, ăn ít ngán.

Bánh Bà Lai rất hấp dẫn và bắt mắt, bởi 3 màu cơ bản là xanh lá - vàng - nâu xếp chồng lên nhau. Lớp màu xanh là màu tự nhiên của lá dứa, không pha phẩm màu nên khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm. Tiếp đến là lớp bánh ở giữa có màu vàng nhạt, được làm từ đậu xanh bóc vỏ trộn với sữa tươi đánh nhuyễn. Cuối cùng là lớp màu nâu có vị đắng nhẹ của ca cao.

Khi thưởng thức bánh Bà Lai, sẽ cảm nhận được vị béo ngậy của sữa tươi, bùi bùi của đậu xanh, đăng đắng của ca cao, cùng hương thơm của lá dứa. Người lần đầu biết đến bánh Bà Lai sẽ nghĩ ngay đến chiếc bánh da lợn - một loại bánh dân gian trong làng ẩm thực Việt Nam.

Chị Kim Hồng với món bánh Bà Lai được nhiều người ưa thích

“Tôi làm bán bánh Bà Lai được 4 năm. Mới đầu, ai cũng thấy lạ với tên bánh, nhưng khi thưởng thức thì rất thích, vì khẩu vị gần gũi với người miền Tây. Làm bánh dân gian từ nhiều năm, tôi muốn thử sức với những loại bánh mới, độc lạ. Được người quen gợi ý làm bánh Bà Lai, tôi bắt đầu tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, cách làm. Lúc đầu, tôi rất ngạc nhiên khi nghe đến tên bánh. Và tôi đã thất bại khá nhiều lần từ bước pha bột, đổ bánh.

Để làm nên chiếc bánh Bà Lai vừa mềm mịn, dẻo và đẹp mắt như hiện tại, tôi tự mình đúc kết kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, ghi nhớ công thức riêng. Được mọi người góp ý, đến khi nhận xét bánh của tôi làm giống với bánh Bà Lai ở Phan Thiết khoảng 99%, tôi mới tự tin làm bán” - chị Kim Hồng chia sẻ.

Bánh Bà Lai nhìn đơn giản, nhưng cách chế biến cầu kỳ, cực công. Đầu tiên, đậu xanh bóc vỏ sẽ được ngâm nước ấm, rồi cho vào xửng hấp chín. Tiếp đến, bánh sẽ trộn trứng và sữa đặc đến khi hai thứ hòa quyện thì rây bột vào khuấy đều theo một chiều cố định, sao cho tạo thành hỗn hợp đồng nhất.

Sau đó, hỗn hợp sẽ được chia thành 3 phần bằng nhau và cho vào 3 tô riêng biệt. Lần lượt trộn một phần với bột cacao để tạo màu nâu và một phần với nước cốt lá dứa để có màu xanh lá. Phần còn lại cho vào máy xay sinh tố cùng với đậu xanh đã được hấp chín, xay đến khi nhuyễn mịn sẽ thu được hỗn hợp có màu vàng đẹp mắt. Những công đoạn này mất khá nhiều thời gian.

Sau khi sơ chế xong nguyên liệu là đến công đoạn hấp bánh. Người ta sẽ hấp lần lượt từng hỗn hợp bột ca cao, đậu xanh và lá dứa để có thể tạo thành 3 lớp bánh xếp chồng lên nhau. Khác với bánh da lợn (có thể đổ nhiều lớp bánh lên nhau), bánh Bà Lai chỉ dừng lại ở 3 lớp bánh. Phần bột ca cao sẽ được hấp trước để làm đế bánh, tiếp theo là hỗn hợp bột đậu xanh, cuối cùng là phần bột lá dứa. Mỗi lần hấp khoảng 10 phút. Sau khi hoàn thành 3 lớp bánh, tiếp tục hấp với thời gian khoảng 1 giờ để bánh chín. Thời gian ấy, phải thường xuyên canh lửa và mở nắp thường xuyên để đi hơi, tránh để bánh bị rỗ lớp mặt.

Cắn một miếng bánh Bà Lai, người dùng sẽ cảm nhận được hương vị ngọt dịu, béo ngậy, mềm mịn đặc trưng của đậu xanh, sữa đặc, nước cốt dừa hòa quyện với mùi thơm thoang thoảng của ca cao, lá dứa. Bánh ăn ngon hơn khi được để ngăn mát tủ lạnh. “Khách thường băn khoăn để bánh trong tủ lạnh sẽ bị cứng, khô, kém ngon. Nhưng tôi đảm bảo, càng để lạnh, bánh càng dẻo và ngon” - chị Kim Hồng khẳng định.

Theo đó, mỗi chiếc bánh 1kg, chị Kim Hồng bán với giá 100.000 đồng. Nhưng chị thường cắt bánh vào hộp với trọng lượng 400gr, bán giá 40.000 đồng để vừa túi tiền thực khách. Bánh Bà Lai không chỉ được ưa chuộng trên địa bàn xã, mà còn được nhiều thực khách ở TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tri Tôn… đặt mua.

“Lần đầu ăn bánh Bà Lai, tôi rất ấn tượng với màu sắc và vị thơm béo, độ dẻo của bánh. Bánh hấp dẫn bởi 3 màu giản dị mà bắt mắt. Các lớp bánh được dùng màu tự nhiên, khi ăn có mùi thơm rất đặc trưng. Ba lớp bánh chồng lên nhau tạo thành một miếng bánh có đủ hương vị: Béo của sữa tươi, hột gà, bùi bùi của đậu xanh, đăng đắng của ca cao, thơm hương lá dứa. Đặc biệt, bánh Bà Lai có độ ngọt vừa phải và không ngán” - chị Huỳnh Thị Mót (ngụ xã Bình Thành) cảm nhận.

PHƯƠNG LAN