Hát Soóng Cọ: Nét văn hóa của người dân tộc Sán Chỉ ở Quảng Ninh

10/12/2023 - 19:10

Ca từ sử dụng trong hát Soóng Cọ rất mộc mạc, chân thành với những hình ảnh vừa ví von, bay bổng, vừa quen thuộc trong đời sống hằng ngày nên câu hát rất gần gũi, đi vào lòng người.

Trai gái Sán Chỉ đi hát Soóng Cọ. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Tại Quyết định 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Soóng Cọ có từ lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một tập tục, sinh hoạt phổ biến và là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người Sán Chỉ.

Theo tiếng Sán Chỉ, Soóng Cọ có nghĩa là ca hát, hát đối, hát giao duyên. Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng).

Ca từ sử dụng trong hát Soóng Cọ rất mộc mạc, chân thành với những hình ảnh vừa ví von, bay bổng, vừa quen thuộc trong đời sống hằng ngày như núi rừng, cỏ cây, hoa lá, trăng sao... nên câu hát rất gần gũi, đi vào lòng người.

Soóng Cọ do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội Xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn.

Hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Trước kia, Ngày hội Soóng Cọ, còn gọi là Hội hát tháng Ba, thường diễn ra vào cuối mùa Xuân. Khi vụ cấy đã xong, trai gái hò hẹn nhau tụ hội lên đồi, ra suối để bày tỏ tình cảm yêu thương, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, những công việc hằng ngày để quên đi mệt mỏi, chia sẻ những lời tâm sự, ước mơ cho một cuộc sống ấm no.

Theo Bảo tàng Quảng Ninh, các hình thức biểu hiện Soóng Cọ của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh gồm Soóng Cọ ban ngày, Soóng Cọ ban đêm, Soóng Cọ trong đám cưới.

Soóng Cọ ban ngày còn được gọi là hát giao duyên, hát ghẹo. Đây là thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ với những câu hát ướm hỏi, gợi ý, đối đáp hóm hỉnh của các đôi trai gái, được ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho các đôi trai gái đến với nhau, nảy nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng.

Sự phong phú trong câu hát thường gắn với trí thông minh, tài ứng khẩu và giỏi đặt lời mời của người hát. Những chàng trai, cô gái cùng hát với nhau trên những cánh rừng, vạt đồi, nương lúa, tiếng hát giúp cho họ khuây khỏa, xua đi mệt nhọc.

Đối với Soóng Cọ ban đêm, người Sán Chỉ có quy định không hát giao duyên với người cùng làng bản, do vậy mỗi vụ nông nhàn hay vào dịp đầu Xuân Năm mới, người Sán Chỉ ở làng xã này lại rủ nhau sang làng xã khác chơi để vừa thăm thân, giao lưu ca hát, vừa để cho các chàng trai, cô gái có cơ hội tìm bạn đời.

Những cuộc đi chơi thường gắn với những đêm hát kéo dài tại các gia đình. Họ đi từng nhóm từ 5-10 người, thường có hẹn trước nên được gia chủ đón tiếp rất nhiệt tình, vui vẻ. Khi thấy có khách đến chơi, các trai làng, gái bản và mọi người cùng đến chơi, nghe hát, trò chuyện giao lưu hoặc cùng cất lên lời ca đối đáp.

Một hình thức nữa của Soóng Cọ là hát trong đám cưới, hay còn gọi là tửu ca. Hình thức này diễn ra cả ban ngày và ban đêm. Buổi tối trước ngày đón dâu, họ nhà trai sang nhà gái hát, đối tượng hát chủ yếu là trai gái, họ hát ghẹo, hát đối với nhau thâu đêm, suốt sáng. Có nhiều đôi thành vợ, thành chồng sau đám cưới này. Trong lễ cưới, người Sán Chỉ dùng lời ca, tiếng hát để chúc mừng lứa đôi hay chúc mừng gia chủ có cô dâu mới.

Học sinh Trường Trung học Cơ sở Đại Dực 1 ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh trong buổi tập luyện bảo tồn tiếng hát Soóng Cọ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nói đến Soóng Cọ là nói đến người Sán Chỉ, do vậy Soóng Cọ mang tính đại diện cho cộng đồng người Sán Chỉ, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chỉ sinh sống tại Quảng Ninh.

Với việc Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 12 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội Đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội Đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái); Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên); thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội Đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội Đình Trà Cổ; Lễ hội Đình Quan Lạn và Lễ hội Bạch Đằng.

Theo Vietnamplus