The Guardian dẫn lời nhà thầu xây dựng công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy cho biết, chính tình trạng mưa lớn kéo dài đã dẫn đến sự cố vỡ đập kinh hoàng khiến hàng trăm người mất tích tại Lào đêm 23 rạng sáng 24-7 vừa qua.
8h tối ngày 23-7, công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đang được xây dựng tại phía đông nam Lào bất ngờ bị vỡ, khiến 5 tỷ mét khối nước bất ngờ đổ xuống khu vực hạ lưu.
Sự cố này đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân địa phương, gây lũ quét cục bộ tại 6 ngôi làng thuộc huyện Sanamnay, khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Clip ghi lại cảnh tượng kinh hoàng tại khu vực vỡ đập thủy điện ở Lào. Nguồn: Ruptly
Công ty điện lực Ratchaburi, một trong 3 nhà đầu tư vào dự án đập thủy đi3ện Xe-Pian Xe-Namnoy đã lên tiếng tiết lộ nguyên nhân gây vỡ đập. Theo đó, chính những cơn mưa lớn bất thường kéo dài trong những ngày qua đã khiến mực nước dâng cao, vượt quá sức chứa của công trình.
"Sự cố này xảy ra do mưa liên tiếp khiến nước chảy vào bể chứa của đập tăng cao", thông báo của Ratchaburi cho biết.
Như một hệ quả đáng tiếc, mưa liên tiếp đã khiến đập bị nứt, gây vỡ đập phụ, làm nước chảy ồ ạt xuống khu vực hạ lưu và khu vực sông Xe-Pian cách đập khoảng 5km, Giám đốc điều hành công ty Ratchaburi Kijja Sripatthangkura chia sẻ thêm.
Phối cảnh công trình đập thủy điện Xe- Pian Xe-Namnoy. Ảnh: PNPC
Sự cố vỡ đập đã khiến hàng trăm người chết và mất tích, hơn 6000 người trở nên không có nhà cửa. Ảnh: Reuters
Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm ở phía nam Lào là dự án có kinh phí xây dựng ước tính là 1,02 tỷ USD với công suất 410 MW, được khởi công xây dựng vào tháng 3-2012 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay.
Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy do Công ty năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC) thi công và quản lý. Theo Power Technology, đây là dự án hợp tác giữa các công ty đa quốc gia gồm Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan, SK Engineering & Construction và Korea Western Power của Hàn Quốc, và Lao Holding State Enterprise của Lào.
Hiện công ty SK Engineering & Construction đã cử một nhóm cứu hộ khủng hoảng tới Lào và đưa trực thăng từ Thái Lan tới hỗ trợ chính phủ Lào. Công ty Korea Western Power cũng điều trực thăng, thuyền và nhân sự tới tham gia chiến dịch cứu hộ, hỗ trợ chính quyền địa phương sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt.
Với tham vọng trở thành "nguồn năng lượng của châu Á", Lào đã khởi công xây dựng chuỗi đập thủy điện tại nhiều khu vực trên cả nước, hướng đến mục tiêu bán điện cho các nước láng giềng.
Theo AN NHIÊN (Công An Nhân Dân)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: