Hé lộ xác ướp 2.500 năm tuổi bên trong quan tài cổ ở Ai Cập
Nhóm các nhà khảo cổ Ai Cập phát hiện một bộ sưu tập lớn gồm nhiều quan tài, tượng nhỏ được niêm phong trong khu nghĩa trang rộng lớn Saqqara ở tỉnh Giza, Ai Cập. Hều hết các quan tài đều chứa xác ướp, được chôn cách đây khoảng 2.500 năm.
Mới đây, lần đầu tiên các chuyên gia tiến hành mở nắp một trong những quan tài trang trí lộng lẫy trước các phương tiện truyền thông. Tất cả các quan tài được phát hiện cho đến nay đều trong tình trạng tốt và lớp sơn bên ngoài mang màu sắc nguyên bản.
Xác ướp bọc trong vải mai táng có khắc chữ tượng hình với màu sắc tươi sáng. Địa điểm khu nghĩa trang rộng lớn Saqqara ở Giza, phía nam Cairo từng là nghĩa địa của thủ đô Memphis của Ai Cập cổ đại, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Saqqara cũng đáng chú ý với nhiều kim tự tháp, nổi tiếng nhất trong số đó là kim tự tháp bậc thang của pharaon Djoser.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy phần lớn các quan tài có chứa xác ướp của các linh mục, quan chức hàng đầu hay giới tinh hoa trong xã hội Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, tất cả họ đều tuân theo các nghi lễ mai táng phức tạp của Ai Cập cổ đại sau khi chết, đáng chú ý có việc cắt bỏ não bằng móc sắt.
Bộ trưởng Bộ Cổ vật và Du lịch Ai Cập, Tiến sĩ Khaled El-Enany, cho biết: "Tôi vô cùng tự hào khi nói rằng hầu hết các khám phá đều do đội ngũ khảo cổ Ai Cập thực hiện trên đất nước này. Đoàn nghiên cứu đã bắt đầu khai quật địa điểm cách đây khoảng 2 tháng và phát hiện ra trục chôn sâu gần 11 mét. Bên trong họ tìm thấy 13 chiếc quan tài còn nguyên vẹn. Tiếp tục khai quật phát hiện thêm 2 trục sâu khoảng 10 và 12 mét cũng chứa đầy quan tài. Tổng cộng nhóm đã phát hiện ra 59 quan tài".
Khoảng 40 trong số 59 quan tài phát hiện tại địa điểm khu di chỉ Saqqara của Ai Cập đã được đưa ra giới thiệu trước giới truyền thông, những chiếc khác cất giữ cẩn thận trước khi trưng bày trong viện bảo tàng.
Những phát hiện mới khám phá thêm bí ẩn và bí mật về nền văn mình vĩ đại của Ai Cập xưa kia. Bộ trưởng cho biết những chiếc quan tài sẽ được vận chuyển đến Bảo tàng Grand Ai Cập để trưng bày cho công chúng.
Ngoài các quan tài, nhóm nghiên cứu phát hiện một bức tượng đồng chạm khắc của thần Nefertum, cũng như bộ sưu tập gồm 28 bức tượng của Ptah-Soker, cùng nhiều bùa mộ mệnh.
Trải qua hàng nghìn năm, người Ai Cập cổ đại đã phát triển nghi lễ mai táng, các phong tục hành lễ công phu và phức tạp mà họ tin rằng đó là điều cần thiết để sang thế giới bên kia.
Kỹ thuật xác ướp cũng phát triển. Đầu tiên người Ai Cập cổ đại xưa sẽ loại bỏ bộ não. Não hút hết ra ngoài qua đường mũi trước khi đưa hỗn hợp nhựa cây và nước hoa vào bên trong. Sau đó cắt mở khu vực thắt lưng, loại bỏ các cơ quan trong ổ bụng. Khoang ngực trống rỗng được lấp đầy với một hỗn hợp chất thơm.
Bước tiếp theo người ta tẩm một loại muối gọi là natron lên tất cả các vết rạch trên cơ thể để khử trùng vết thương. Để khô trong khoảng từ 35 đến 70 ngày. Cuối cùng khi xác đã mất nước, họ sẽ bôi dầu và phủ một lớp nhựa là chất kết dính.
Cơ thể bọc cẩn thận trong vải lanh là đưa vào quan tài. Tuỳ thuộc vào địa vị xã hội của người chết, người Ai Cập sẽ trang trí thêm bằng các vật phẩm như mặt nạ, tấm vải liệm.
Theo HOÀNG DUNG (Infonet)